Hai tiêu chí đặt ra với kinh doanh vận tải đường bộ chưa phù hợp thực tiễn
Hai tiêu chí để xác định hoạt động kinh doanh vận tải quy định tại khoản 6, Điều 61, dự thảo Luật Đường bộ là chưa phù hợp, không thể hiện bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải, có nguy cơ gây tăng chi phí, gánh nặng với doanh nghiệp.
Đây là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội lưu ý khi tham gia thảo luận tại tổ 5 về dự án Luật Đường bộ sáng nay, 10.11.
Quy định về kinh doanh vận tải ô tô có nguy cơ tăng gánh nặng cho doanh nghiệp
Thống nhất với nội dung Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ trên cơ sở tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Với dự án Luật Đường bộ, các đại biểu Quốc hội nêu rõ, nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng hiện đang rất lớn, và Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ để thúc đẩy việc huy động tối đa mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng vận tải, phục vụ việc di chuyển của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Ngoài ra, trên thị trường hiện đã xuất hiện nhiều loại hình vận tải mới, cần có sự quản lý của Nhà nước, tránh để xảy ra những hiện tượng tiêu cực, gây bức xúc dư luận xã hội, như vụ việc liên quan đến những tiêu cực trong hoạt động của hãng xe Thành Bưởi, vừa được các cơ quan chức năng phát hiện gần đây.
Liên quan đến "xác định thế nào là hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ", tại khoản 6, Điều 61 về hoạt động vận tải đường bộ quy định, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc tổ chức, cá nhân thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe, hoặc quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi, trừ các hoạt động vận tải nội bộ được quy định tại khoản 13 Điều này.
ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) cho rằng, sử dụng hai tiêu chí là “điều hành phương tiện lái xe” và “quyết định giá cước vận tải” để xác định là doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì có nghĩa các doanh nghiệp đang cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải như Grab, Gojeck… cũng là đối tượng mà Luật này điều chỉnh? Theo đó, doanh nghiệp cung cấp phần mềm ứng dụng kết nối vận tải sẽ đều phải đáp ứng điều kiện kinh doanh như doanh nghiệp kinh doanh vận tải thông thường?
Theo đại biểu, quy định căn cứ xác định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như dự thảo Luật chưa phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện nay và sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ. Mặt khác, với cách hiểu về căn cứ xác định mô hình kinh doanh vận tải như vậy, thì có thể hiểu các đơn vị xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện cũng là đơn vị cung cấp vật tư y tế, thuốc men hay không?
Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại quy định tại Điều 61, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nêu rõ, trong lĩnh vực vận tải, mô hình kinh doanh vận tải truyền thống và mô hình kinh doanh vận tải dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ vào lĩnh vực vận tải rất khác nhau. Mô hình kinh doanh vận tải truyền thống thực hiện trên mọi công đoạn của hoạt động vận tải, còn mô hình ứng dụng công nghệ thông tin không tham gia vào tất cả các công đoạn, mà chỉ hỗ trợ hành khách và tài xế trao đổi thông tin về nhu cầu vận chuyển một cách dễ dàng hơn thông qua ứng dụng công nghệ.
“Cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải là một loại hình kinh tế chia sẻ. Do đó, các doanh nghiệp này thường rất tinh giảm và chỉ có các kỹ sư công nghệ, không có tài xế hay phương tiện vận tải như các doanh nghiệp truyền thống khác”. Việc định danh các doanh nghiệp ứng dụng mô hình mới là kinh doanh vận tải và yêu cầu họ phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh giống như các doanh nghiệp vận tải truyền thống là "sự khiên cưỡng" và "đi ngược lại với thực tế".
“Sự khiên cưỡng này có thể sẽ làm gia tăng các chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất đi động lực để tiếp tục đầu tư phát triển; quy định này cũng sẽ triệt tiêu những lợi ích to lớn mà công nghệ đem lại”, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nêu quan điểm.
Mặt khác, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Giao dịch điện tử đã bổ sung một định nghĩa về nền tảng, đặc biệt là nền tảng trung gian. Do đó, việc quy định một doanh nghiệp vừa là đơn vị cung cấp nền tảng trung gian, vừa là doanh nghiệp kinh doanh vận tải sẽ gây nên sự chồng chéo, tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp, trong khi mục tiêu quản lý nhà nước thì chưa chắc đã đạt được.
Với các lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn đề nghị, các cơ quan chức năng không nên sử dụng hai tiêu chí này để định danh doanh nghiệp kinh doanh vận tải như ở cái Khoản 6, Điều 61. Và, “quy định tại khoản 6, Điều 61, dự thảo Luật Đường bộ nên sửa theo hướng xác định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô”, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nói.
Rà soát kỹ về các hành vi bị nghiêm cấm
Về các hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến cho rằng, tại khoản 4, Điều 9, dự thảo Luật quy định nghiêm cấm hành vi “tự ý lắp đặt, điều chỉnh phương tiện che khuất báo hiệu đường bộ” là chưa bao quát đối tượng, hành vi vi phạm.
Theo ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam), trong thực tiễn, vẫn có tình trạng cơ quan nhà nước khi lắp đặt báo hiệu đường bộ không bảo đảm quy định, không phù hợp với thực tiễn, làm khó người tham gia giao thông. Do vậy, đề nghị điều chỉnh lại nội dung này theo hướng nghiêm cấm việc đặt, điều chỉnh báo hiệu đường bộ tại các địa điểm bị che khuất hoặc không bảo đảm khoảng cách giữa các báo hiệu đường bộ.
Một số đại biểu cũng cho rằng, để bảo đảm quyền và lợi ích của công dân khi tham gia giao thông đường bộ, thì mọi hành vi từ chối vận tải hoặc gây khó khăn đối với hành khách khi không có lý do chính đáng đều phải bị nghiêm cấm, không phân biệt đối tượng (như: người tàn tật, người già, trẻ em...). ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) đề nghị, quy định tại khoản 6, Điều 9 cần sửa thành “từ chối vận tải hoặc gây khó khăn đối với hành khách khi không có lý do chính đáng”.
Ngoài ra, theo đại biểu Sùng A Lềnh, hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quá khổ, quá tải trái quy định là hành vi phổ biến trong quá trình tham gia giao thông, nên cần nghiên cứu bổ sung hành vi này vào các hành vi bị nghiêm cấm trong giao thông đường bộ. Quy định như vậy cũng sẽ tạo thuận lợi cho thanh tra giao thông đường bộ trong quá trình xử lý hành vi vi phạm.
Ghi nhận việc dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm "phương tiện giao thông thông minh" tại khoản 15, Điều 3, nhiều đại biểu cho rằng, đây là bổ sung hợp lý và hoàn toàn cần thiết, vì ở một số quốc gia tiên tiến, xe tự lái đang bắt đầu đạt đến mức hoàn thiện và được vận hành trên đường phố như một loại hình phương tiện giao thông. Điều này cũng phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng trên thế giới.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc định nghĩa “phương tiện giao thông thông minh” trong dự thảo Luật vẫn cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa.