Hai tín hiệu từ việc khởi tố, bắt giam ông Tất Thành Cang
Việc xử lý ông Tất Thành Cang cho thấy hai tín hiệu. Một là quyết tâm chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ; hai là Trung ương rất thận trọng trong xử lý cán bộ.
Đó là quan điểm được nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đưa ra khi trao đổi với Zing sau sự việc ông Tất Thành Cang bị khởi tố, bắt giam.
Theo ông Hùng, đây là động thái được nhân dân, đặc biệt là người dân TP.HCM mong chờ lâu nay.
Bước đi thận trọng, củng cố niềm tin của nhân dân
Theo ông Vũ Quốc Hùng, việc xử lý ông Tất Thành Cang cho thấy hai tín hiệu. Một là sự quyết tâm của Đảng mà người điều hành trực tiếp là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Động thái này cho thấy Đảng thực hiện đúng phương châm “lời nói đi đôi với việc làm”, đó là chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”.
Tín hiệu thứ hai cho thấy Trung ương rất thận trọng, không vội vàng khi xử lý cán bộ. “Đảng không du di, không bao che mà phải thận trọng, vì sinh mạng chính trị của con người không thể đùa được”, ông Hùng nói.
Ông nhắc lại thời điểm ông Tất Thành Cang bị kỷ luật về mặt Đảng, nhiều ý kiến băn khoăn khi chưa thấy các bước kỷ luật tiếp theo với cán bộ có nhiều sai phạm này. Thậm chí, dư luận cho rằng ở Trung ương có 30% ý kiến không muốn kỷ luật ông Cang.
“Khi đó tôi rất băn khoăn và nhiều thắc mắc, nên trực tiếp gọi điện cho một lãnh đạo có thẩm quyền để hỏi, cán bộ đó khẳng định thông tin trên là không đúng”, ông Hùng kể.
Theo ông, không có chuyện Trung ương nương nhẹ hay bao che cho những sai phạm của cán bộ. Sở dĩ quy trình làm rõ sai phạm của ông Tất Thành Cang kéo dài do các cơ quan kiểm tra, thanh tra phải xác minh rất thận trọng.
Tiếp đó, các cơ quan tố tụng phải vào cuộc làm rõ ông Cang có tội hay không và tội đến mức nào. Đến nay, mọi thông tin đã rõ, các cơ quan có thẩm quyền đã quyết định xử lý hình sự chứ không chỉ dừng ở kỷ luật Đảng hay kỷ luật hành chính.
“Đó là điều giúp củng cố niềm tin của nhân dân, là bước đi vững chắc, thận trọng trong cách làm việc của Trung ương”, ông Hùng nhận định và mong muốn những người liên quan sẽ tiếp tục được làm rõ.
Từng là lãnh đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Hùng chia sẻ trong xử lý cán bộ cấp cao cũng có khó khăn. Trước hết phải trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời. Muốn như vậy phải đọc và nghiên cứu kỹ tài liệu, không làm việc bằng cảm giác, suy luận hay sức ép nào đó.
Trong bối cảnh gần đến Đại hội Đảng XIII, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng việc tiếp tục xử lý cán bộ sai phạm sẽ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều người.
Cùng quan điểm, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng nhận định việc khởi tố, bắt giam ông Tất Thành Cang cho thấy quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ đang lên cao, thể hiện đúng tinh thần “không có vùng cấm” mà Đảng đã quán triệt.
Cán bộ phạm sai lầm, tổ chức phải giải quyết
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, nhận định công tác chống tham nhũng của Trung ương khóa XII đã làm cho người dân và cán bộ hưu trí tin tưởng tuyệt đối vào quyết tâm của Đảng.
“Đúng như lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói là không có vùng cấm, điều này làm cho dân yên, Đảng mạnh, xã hội yên tâm phát triển”, ông Lâm chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Lâm bày tỏ thái độ nuối tiếc khi những cán bộ như ông Tất Thành Cang vướng vòng lao lý vì đây là cán bộ có tư duy, có sức khỏe, năng nổ trong công việc.
“Điều đáng tiếc là họ không kiềm chế được mình nên đã phạm sai lầm, để tổ chức phải giải quyết”, Chuẩn đô đốc nói.
Ông Lâm cho rằng đây là bài học cho những cán bộ, lãnh đạo hiện tại và tương lai. Theo ông Lâm, cán bộ ở bất kỳ cấp nào cũng phải tu thân trước, cấp càng cao thì tu thân càng nhiều để làm gương cho nhân dân, cho cán bộ cấp dưới.
Trước những lo ngại chống tham nhũng quá mạnh sẽ khiến cán bộ nhụt chí, ông Lâm cho rằng một cán bộ thực sự vì nước, vì dân thì sẽ không sợ gì cả, vì họ biết họ làm đúng.
Còn nếu cán bộ vì chuyện này mà chùn bước, không dám làm thì nên đứng sang một bên cho người có bản lĩnh, có đức, có tài làm.
Chia sẻ ở góc độ cử tri, ông Nguyễn Văn Phú (quận 1) ủng hộ sự quyết liệt này.
Ông Phú từng nhiều lần đặt câu hỏi tại các buổi tiếp xúc cử tri rằng tại sao đã xác định có vi phạm, bị Trung ương kỷ luật, mà ông Tất Thành Cang vẫn làm đại biểu HĐND.
Vì vậy, ông cho rằng việc khởi tố, bắt giam ông Cang là minh chứng cho sự quyết liệt của Đảng trong phòng chống tham nhũng. “Khi tất cả những cá nhân sai phạm bị ‘sờ gáy’, nhiệm kỳ tới sẽ sang trang mới”, cử tri kỳ vọng.
Góp thêm ý kiến, cử tri Mai Thanh Hà (quận 5) cho rằng hiện ông Cang đang bị tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND. Nếu ông Cang chủ động từ nhiệm vị trí này mới thể hiện sự dũng cảm của một cán bộ đảng viên khi nhận ra sai sót của mình.
“Từ nhiệm chính là hành động thay cho lời xin lỗi với tổ chức và nhân dân”, cử tri Hà nêu ý kiến.
Chiều 16/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM, đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Tất Thành Cang để điều tra hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Tối cùng ngày, cảnh sát tiến hành tống đạt các quyết định tố tụng đối với ông Tất Thành Cang, Phó ban biên soạn Lịch sử Đảng bộ TP.HCM, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM.
Trong khi đó, HĐND TP.HCM cũng hoàn tất thủ tục tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TP đối với ông Tất Thành Cang theo Điều 101 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Ông Tất Thành Cang bị cáo buộc liên quan đến sai phạm trong việc bán 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim (cổ đông chiến lược) tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) - một thành viên của Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).