Hai trụ cột tuyển Việt Nam có bị ảnh hưởng nặng nề khi mắc COVID-19?
Trên thế giới có không ít đội bóng ghi nhận cầu thủ mắc COVID-19. Sau đó, họ có bị ảnh hưởng tới phong độ thi đấu hay không? Đây cũng là điều quan tâm ở ĐTQG Việt Nam, khi hai trụ cột gồm Văn Toàn, Hoàng Đức mắc COVID-19 và họ sẽ ảnh hưởng thế nào khi các trận đấu lớn đang cận kề.
Người hâm mộ lo lắng cho Văn Toàn, Hoàng Đức
Ngay sát dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cũng là lúc đội tuyển Việt Nam chuẩn bị "tinh thần thép" để đối diện với những trận đấu quan trọng ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Tuy nhiên, một tin không vui đã đến với NHM bóng đá, hai tuyển thủ gồm Văn Toàn, Hoàng Đức mắc COVID-19. Thực tế, tình hình sức khỏe của 2 cầu thủ này... vẫn bình thường và không có chuyển biến nặng. Họ có thể trở lại sau thời gian cách ly với kết quả âm tính.
Tuy nhiên, vấn đề hiện người hâm mộ bóng đá Việt Nam lo lắng, liệu khi mắc COVID-19 có ảnh hưởng tới phong độ, thể lực cũng như tinh thần chiến đấu của họ khi có kết quả âm tính hay không?
Tiền đạo tuyển Việt Nam Nguyễn Văn Toàn kém may mắn khi mắc Covid-19 trước ngày tập trung đội tuyển Việt Nam. Ảnh: internet
Hiện chưa có căn cứ cụ thể nào chứng minh mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới tinh thần hay sức khỏe những VĐV thể thao nói chung, hay bộ môn bóng đá nói riêng sau khi có kết quả âm tính và bình phục hoàn toàn.
Trên thế giới, có không ít VĐV mắc COVID-19, đơn cử nhất về 2 trường hợp dương tính nhưng vẫn khỏe mạnh sau khi trở lại là tay vợt chuyên nghiệp người Serbia Novak Djokovic và siêu sao người Bồ Đào Nha Cristian Ronaldo. Họ vẫn cống hiến như chưa từng có chuyện gì xảy ra và đạt phong độ thi đấu đỉnh cao.
VĐV quốc tế chia sẻ khi mắc COVID-19
Việc các VĐV thể thao cũng như cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp mắc COVID-19 không phải là chuyện hiếm. Song, số đông trong đó không chịu quá nhiều tác động tiêu cực sau ngày trở lại. Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa rằng các vận động viên… được phép chủ quan.
Bác sĩ tiết niệu kiêm VĐV chạy bộ Josh Fiske từng tiết lộ về quãng thời gian khó khăn khi trở lại sau thời gian đấu tranh với dịch COVID-19. Theo chia sẻ của anh, nồng độ oxy trong máu xuống thấp một cách nguy hiểm. Điều đó khiến cho từng bước chạy của anh trở nên khó khăn hơn. Vị bác sĩ này cho biết rằng, khi đó anh bắt đầu nghĩ rằng liệu mình có thể chạy bộ được tiếp không? Mình có thể đi bộ trên sân golf được nữa hay không?
Dybala chật vật tìm lại chính mình sau khi mắc COVID-19. Ảnh: internet
Ở môn thể thao khác, cầu thủ bóng bầu dục Von Miller từng nhấn mạnh rằng, có điều gì rất kỳ quái sau khi trở lại, mà bản thân anh không thể lý giải được. Anh thừa nhận cơ thể mệt mỏi nhanh hơn trong những ngày đầu quay trở lại tập luyện.
Trên thực tế, ngay cả những VĐV có thể trạng tốt cũng khó thể tránh được hậu quả nặng nề từ sự tàn phá của COVID-19. VĐV bóng bầu dục Andrew Boselli, người từng nhấn mạnh rằng, chẳng có gì quật ngã nổi anh, sức khỏe anh vẫn còn rất tốt. Nhưng sau đó anh đã phải ngậm ngùi thừa nhận rằng, anh đã trải qua cơn ốm nặng nhất chưa từng thấy, cơ thể nóng hầm hập (nhiệt độ gần 40 độ C). Vận động viên này còn thừa nhận cảm thấy khó thở và thể trạng mệt mỏi trong vòng 10 ngày sau khi trở lại.
Ngoài ra, tiền đạo Paulo Dybala của Juventus cũng thừa nhận trải qua ác mộng thực sự, anh chia sẻ bản thân đã cố gắng tập luyện trong ngày trở lại nhưng sau đó bị hụt hơi chỉ sau 5 đến 10 phút.
Trong khi đó, cách đây không lâu, tiền vệ De Bruyne của Man City cũng buộc phải thừa nhận trước giới truyền thông rằng, đôi khi anh cảm thấy cơ thể của mình vẫn đang trong quá trình thích nghi. Anh chỉ cần chạy 2, 3 lần nước rút và cảm nhận rõ sự mệt mỏi. Đó là vấn đề mà một người mắc COVID-19 phải trải qua.
Không được may mắn như CR7, Dybala hay De Bruyne đều vẫn đang trong quá trình tìm lại mình trước khi mắc COVID-19. Cần nhấn mạnh rằng De Bruyne là một trong những cầu thủ có lượng vận động khủng khiếp nhất trong làng túc cầu, khi di chuyển không biết mệt mỏi trên khắp mặt sân trong cả trận đấu.
Biến chứng sau khi mắc COVID-19 với VĐV thể thao?
Bác sĩ chuyên về phổi, Panagis Galiatsatos cho rằng hậu quả của việc mắc COVID-19 vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ ở các VĐV, nên rất khó đưa ra kết luận ở thời điểm này. Nhưng theo ông, một người bị mắc COVID-19 thường có ba biến chứng.
Von Miller (ngoài cùng bên phải) thừa nhận "mệt mỏi nhanh hơn" sau khi điều trị COVID-19. Ảnh: internet
Biến chứng đầu tiên, họ có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp và nguy cơ mắc các căn bệnh về phổi trong tương lai. Bản thân ông từng thấy có những bệnh nhân 3 tháng sau khi mắc COVID-19 vẫn chưa thể trở lại bình thường.
Biến chứng thứ hai mà ông Panagis Galiatsatos nghĩ rằng sẽ liên quan trực tiếp tới các VĐV, đó là tỷ lệ cục máu đông khá cao. Họ buộc phải uống thuốc làm loãng máu nhưng loại thuốc này không được khuyến khích trong thể thao.
Cuối cùng, với những VĐV phải nằm máy thở ICU thì sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn cả. Họ sẽ mất khoảng 2-10% khối lượng cơ mỗi ngày khi phải nằm trên giường. Vận động viên ba môn phối hợp Ben O'Donnell từng giảm tới 20kg sau 4 tuần nằm máy thở vì nhiễm COVID-19.
Trở lại với đội tuyển Việt Nam, tình trạng của hai trụ cột Văn Toàn hay Hoàng Đức không nghiêm trọng tới vậy. Nhưng rõ ràng, để lấy lại được thể lực cũng như phong độ thi đấu, họ cần lộ trình tập luyện và chế độ ăn uống khoa học sau khi bình phục COVID-19.
Theo kế hoạch, ĐT Việt Nam tập trung vào ngày 13/1 tại Hà Nội. HLV Park Hang Seo có nhiều sự thay đổi về nhân sự so với danh sách tham dự AFF Cup 2020.
Sau trận gặp tuyển Australia vào ngày 27/1, thầy trò HLV Park Hang Seo trở về sân nhà Mỹ Đình tái đấu với ĐT Trung Quốc. Trận đấu dự kiến có 2 vạn khán giả được vào sân, diễn ra vào ngày 1/2, tức mùng Một Tết Nhâm Dần 2022.