Hai trường hợp được điều chỉnh biên chế công chức
Đó là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức do Chính phủ mới ban hành.
Nghị định nêu rõ, biên chế công chức được xác định căn cứ vào: vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao. Đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương, ngoài căn cứ các quy định nêu trên, còn phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức được xem xét trong 2 trường hợp: Thứ nhất, cơ quan, tổ chức có thay đổi một trong các căn cứ quy định ở trên. Thứ hai, thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.
Đối với vị trí việc làm, Nghị định phân làm hai loại: phân theo khối lượng công việc (vị trí việc làm do một người đảm nhiệm, vị trí việc làm do nhiều người đảm nhiệm, vị trí việc làm kiêm nhiệm); phân loại theo tính chất, nội dung công việc (vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành; vị trí việc làm chuyên môn dùng chung, như tài chính, kế hoạch và đầu tư, thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ….).
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2020. Chậm nhất đến hết ngày 31/12/2020, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thiện và ban hành quyết định vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý để thay thế các quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt danh mục vị trí việc làm của bộ, ngành, địa phương.