Hai vị hoàng đế nào nắm quyền ngắn nhất lịch sử La Mã?
Hoàng đế Publius Helvius Pertinax và hoàng đế Didius Julianus cùng bị giết trong năm 193 SCN, sau khoảng thời gian cầm quyền chưa đầy 100 ngày ở đế quốc La Mã.
Trong lịch sử của đế quốc La Mã, có hai vị hoàng đế chỉ ở trên ngai vàng không đến 100 ngày. Đó là hoàng đế Publius Helvius Pertinax (126-193 SCN) và hoàng đế Didius Julianus (137-193 SCN).
Cả hai vị hoàng đế này đều cai trị La Mã vào năm 193 SCN, là khoảng thời gian khủng hoạng được các sử gia gọi là "Năm của 5 hoàng đế". Cả hai cùng bị giết trong năm này sau khoảng thời gian cầm quyền ngắn ngủi.
Người đầu tiên, hoàng đế Publius Helvius Pertinax là người nắm quyền lực tối cao của đế quốc La Mã từ ngày 1/1 - 28/3/193, nghĩa là 83 ngày.
Trong thời gian trị vì của mình, hoàng đế Pertinax đã thực hiện các cải cách để cứu vãn đế quốc, nhưng mọi nỗ lực đều không thành công.
Ông phải chịu kết thúc bi thảm khi bị cận vệ hoàng cung giết ngay trong cung điện. Sau khi bị sát hại, đầu của ông bị chặt và cắm lên một cây thương để binh lính đem diễu qua các con phố.
Sau cái chết của Pertinax, ngai vàng được đem "đấu giá" để người trả giá cao nhất trở thành hoàng đế tiếp theo của đế quốc La Mã. Và Didius Julianus là người chiến thắng khi trả cái giá cao nhất để mua chuộc các cận vệ hoàng gia.
Nhưng số phận của hoàng đế Didius Julianus còn thê thảm hơn cả người tiền nhiệm. Bị coi là kẻ phản quốc, ông bị dân chúng la ó, chửi rủa, ném đất đá ở mọi nơi mà ông đi qua.
Ngày 1/6/193, Julianus bị lật đổ và bị kết án tử hình bởi người sẽ kế nhiệm mình là Septimius Severus. Thời gian ngồi trên ngai vàng của ông chỉ vỏn vẹn 65 ngày.