Hai vị thuốc tốt cho người mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính
Hội chứng mệt mỏi mạn tính là chứng bệnh cho đến nay chưa thể xác định rõ nguyên nhân và phương pháp chữa trị hữu hiệu. Tuy nhiên, việc sử dụng một số vị thuốc, bài thuốc có thể giúp cải thiện và phục hồi sức khỏe theo thời gian.
1. Biểu hiện của hội chứng mệt mỏi mạn tính
Người mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính thường có các biểu hiện:
-Trạng thái mệt mỏi diễn ra trong thời gian dài (trên 6 tháng): Luôn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, sau khi hoạt động càng trầm trọng.
- Váng đầu, nặng đầu, hay quên, tư tưởng không tập trung.
- Mất ngủ, ngủ hay mê, hoặc luôn cảm thấy buồn ngủ.
- Bồn chồn, hồi hộp, hơi thở gấp, tức ngực, nghẹt thở.
- Dễ căng thẳng, dễ bị kích động, phiền táo, uất ức.
- Sốt không rõ nguyên nhân, kèm theo đau đầu, đau mình mẩy, cơ bắp đau mỏi, hạch sưng đau nhẹ; - Họng đau, khó nuốt, bụng đầy, kém ăn, mạng sườn trướng đau.
- Suy giảm chính khí (sức đề kháng), dễ bị cảm mạo, các bệnh nhiễm trùng, ...
2. Dược liệu thiên nhiên phòng, chống hội chứng mệt mỏi mạn tính
2.1 Ngũ vị tử
Ngũ vị tử là dược liệu quen thuộc trong nhiều thang thuốc bổ của Đông y, có tác dụng liễm phế, cố thận, cường âm, ích khí, bổ ngũ tạng. Sử dụng chữa ho, hơi thở hổn hển, mệt mỏi, miệng khô khát, ngại hoạt động.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Ngũ vị tử có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, làm mạnh tim, chống ô-xy hóa, bảo vệ gan và kích thích hệ thống thần kinh.
Trong Tây y, ngũ vị tử được dùng làm thuốc kích thích hệ thống thần kinh trung ương. Thuốc từ ngũ vị tử chế với cồn 70 độ, thì dùng với liều 30-40 giọt 1 lần, ngày dùng 2 lần; chế với cồn 90 độ, thì dùng mỗi lần 20-30 giọt, ngày dùng 2-3 lần; thường đóng thành lọ 25-50ml. Dùng trong trường hợp lao động chân tay và trí óc quá độ, mệt mỏi về tinh thần và thể lực, uể oải buồn ngủ.
Nhờ có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu và kích thích thần kinh trung ương, có thể sử dụng ngũ vị tử để điều hòa thần kinh, hữu ích cho người mệt mỏi mạn tính, rất tốt trong điều trị nhiều bệnh lý, đặc biệt những bệnh về thận và phổi.
Cách dùng như sau: Ngũ vị tử 100g, đảng sâm 50g, toan táo nhân 30g, rượu trắng 1000ml. Ngũ vị tử, đảng sâm và toan táo nhân rửa sạch, cho vào bình thủy tinh, đổ rượu trắng vào nút kín, mỗi ngày lắc bình 1 lần. Sau 2 tuần có thể sử dụng. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10ml.
2.2 Nhân sâm
Nhân sâm là vị thuốc đứng đầu trong các vị bổ. Theo y học cổ truyền nhân sâm vị ngọt, hơi đắng, vào kinh tâm, phế, tỳ... có tác dụng đại bổ nguyên khí, trợ hỏa, hồi dương cứu nghịch, bổ tỳ ích phế, sinh tân, an thần, bổ khí cố thoát, là vị thuốc đứng đầu trong điều trị các chứng hư, mệt mỏi, nội thương.
Nghiên cứu dược lý hiện đại chứng minh thành phần hóa học của nhân sâm chứa hơn 15 loại yếu tố vi lượng; có tác dụng chống mệt mỏi, tăng khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng, duy trì chức năng làm việc bình thường của hệ thống thần kinh trung ương... Là loại thuốc bổ toàn thân và tăng lực nhanh chóng, nếu sử dụng hợp lý.
Nhân sâm cần thiết cho người khả năng chịu đựng kém trước tình huống căng thẳng cũng như trong hội chứng mệt mỏi mạn tính đi kèm với suy nhược sinh dục.
Cách dùng như sau: Nhân sâm 100g, ngũ vị tử 100g, mạch môn đông 150g, đương quy 100g, thục địa 100g, dâm dương hoắc 100g, rượu trắng 2000ml. Các vị thuốc rửa sạch, cho vào bình thủy tinh, đổ rượu trắng vào nút kín, mỗi ngày lắc bình 1 lần, sau 10-15 ngày có thể sử dụng; ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-10ml sau khi ăn.