Hai xã tốp cuối ở Lộc Hà gặp khó trong xây dựng nông thôn mới nâng cao
Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hành trình xây dựng NTM nâng cao ở xã Thạch Kim và Thạch Mỹ của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang rất nhiều gian nan.
Nhiệm vụ bất khả thi đối với “phố cổ” Thạch Kim
Nằm ngay vùng cửa biển nên việc xây dựng NTM ở xã Thạch Kim luôn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2019, Thạch Kim là một trong những địa phương cuối cùng "về đích" NTM của huyện Lộc Hà, Nhưng, để về đích, địa phương phải xin UBND tỉnh cho được hưởng cơ chế đặc thù do có 3/20 tiêu chí không thể thực hiện được (3 tiêu chí xin không đánh giá là: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu).
Ông Phan Bá Ninh – cán bộ Văn phòng NTM huyện Lộc Hà cho biết: “Do đất chật, người đông nên tại thời điểm năm 2019, xã Thạch Kim có đến 61% đường trục thôn (6 tuyến, dài gần 2 km) và 69% đường ngõ xóm (58 tuyến, gần 10 km) không đạt chuẩn do quá hẹp, không có lề đường, không thể mở rộng. Khuôn viên nhà văn hóa 6/6 thôn đều không đạt diện tích, không có cây xanh và tất cả các thôn không có sân chơi thể thao. Ngoài ra, ở đây cũng không thể xây dựng vườn mẫu (do không sản xuất) và khu dân cư NTM kiểu mẫu vì vướng 5 tiểu tiêu chí.
Tình trạng này đến nay chưa được cải thiện và cũng rất khó để thay đổi. Vì vậy, địa phương này không thể đạt được xã NTM nâng cao”.
Sau 5 năm kể từ ngày đạt chuẩn, xã ven biển Thạch Kim vẫn không ngừng nỗ lực để cải thiện các tiêu chí theo hướng pha trộn giữa xây dựng NTM với đô thị văn minh. Nhưng, do chỉ huy động được 2 tỷ đồng/năm (từ ngân sách các cấp và người dân đóng góp) nên vừa đủ xử lý những vấn đề bức thiết, tạm thời, nhỏ lẻ chứ chưa thể đầu tư mang tính chiến lược.
Ông Phạm Duy Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: "Do không có đất để mở đường, mở rộng khuôn viên hội quán, xây dựng sân vận động thôn và thực hiện các tiêu chí khác nên chúng tôi không thể nâng cao mức độ đạt chuẩn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn kiên trì vào cuộc, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, chủ động xây dựng khung kế hoạch thực hiện từng tiêu chí cụ thể cho từng thời điểm của mỗi thôn...
Đặc biệt, chúng tôi đã tập trung nâng cấp, sửa chữa hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá, rãnh thoát nước; lắp đặt hệ thống đường điện chiếu sáng; đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng nhiều sản phẩm OCOP; giữ gìn vệ sinh môi trường sống; đảm bảo ANTT...
Hành trình gian nan của xã Thạch Mỹ
Đại hội Đảng bộ xã Thạch Mỹ nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao 2023, đạt chuẩn kiểu mẫu năm 2025. Nhưng, hành trình xây dựng xã đạt chuẩn nâng cao ở đây đang rất gian nan, hiện mới chỉ đạt khoảng 40% khối lượng, thuộc diện thấp nhất huyện. Nguyên do là việc huy động nguồn nội lực đang hạn chế, các tiêu chí khó và cần nhiều nguồn lực (giao thông, thủy lợi, môi trường) còn ngổn ngang...
Là địa phương rộng đến hơn 10 km2, các khu dân cư nằm rải rác nên cần phải đầu tư đường sá rất nhiều. Tại đây, khó khăn càng lớn hơn khi hệ thống đường giao thông đã được cứng hóa nhiều năm đang bị xuống cấp hoặc không đáp ứng chuẩn mới (hiện có khoảng 50% đường sá đạt chuẩn nâng cao), cần phải huy động hàng chục tỷ đồng mới có thể nâng cấp đạt chuẩn. Hệ thống đường sá thuộc diện thấp thua nhất huyện đã kéo theo việc chỉnh trang, lắp điện chiếu sáng, làm rãnh thoát nước, trồng cây xanh hai bên cũng chưa đáp ứng yêu cầu.
Cùng với giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng của xã Thạch Mỹ cũng thuộc diện lớn của huyện. Để đạt chuẩn NTM nâng cao, xã cần nâng cấp, xây mới, kiên cố hóa thêm 24 km kênh mương các loại. Với chi phí đầu tư bình quân khoảng 700 triệu đồng/km thì đây được xem là bài toán khó đối với xã nghèo này.
Ngoài ra, do yếu tố lịch sử nên tiêu chí môi trường hiện nay cũng là vấn đề nan giải trong việc nâng cao mức độ đạt chuẩn của Thạch Mỹ. Hàng trăm năm nay, người dân thực hiện việc mai táng không quy cũ nên có đến 15 nghĩa trang sát các khu dân cư, dọc các trục đường chính, gần trung tâm xã. Từ năm 2019, xã đã có kế hoạch đóng cửa tất cả các nghĩa trang cũ nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được vì 4 khu nghĩa trang mới đang trong giai đoạn quy hoạch, chưa xây dựng hạ tầng.
Bí thư Đảng ủy xã Thạch Mỹ Lê Tiến Lương cho biết: “Những khó khăn, tồn tại trên xuất phát từ việc huy động nguồn nội lực hạn chế, các tiêu chí khó, cần nhiều tiền chủ yếu dựa vào cấp trên. Địa phương chỉ huy động được khoảng 1 tỷ đồng/năm từ nội lực nên chỉ đủ 10% nhu cầu. Nguồn hỗ trợ cấp trên không đủ trang trải, chủ yếu tập trung cho trường học và một số tuyến đường huyết mạch đã hư hỏng nặng”.
“Chúng tôi nhận thức rõ, hành trình xây dựng xã NTM nâng cao sẽ còn rất nhiều gian nan, đích đến còn xa. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực, kiên trì vào cuộc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đạt kết quả tốt hơn. Đặc biệt, tới đây, chúng tôi sẽ tập trung tranh thủ các nguồn ngoại lực để thực hiện các tiêu chí khó, công trình lớn và huy động tốt nguồn nội lực theo khả năng để thực hiện dần các tiêu chí “mềm”, đơn giản, cần công sức hơn kinh phí”, ông Lê Tiến Lương chia sẻ thêm.
Thạch Kim và Thạch Mỹ là 2 xã khó khăn nhất trong việc nâng cao chất lượng đạt chuẩn NTM. Vì vậy, chúng tôi tham mưu UBND huyện tiếp tục hỗ trợ ngân sách và lồng ghép các chương trình dự án để tháo gỡ khó khăn, kích cầu nguồn nội lực.
Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động hướng dẫn, khuyến khích, đôn đốc 2 xã thực hiện tốt các tiêu chí dễ như: vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan, phát triển sản xuất, xây dựng các công trình nhỏ lẻ... để nâng cao mức độ đạt chuẩn, từng bước theo kịp các xã tốp trên...
Ông Phan Bá Ninh – cán bộ Văn phòng NTM huyện Lộc Hà