Hai yếu tố tạo nên sức hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam

Hai yếu tố quan trọng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam là ổn định chính trị và truyền thống lao động cần cù, linh hoạt của người lao động Việt Nam.

Sáng 12/11, theo chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sau khi kết thúc phần chất vấn đối với các Bộ trưởng, từ 9 giờ 45 phút đến 11 giờ 20 phút, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Hoàng Văn Liên (Đoàn Long An), đặt câu hỏi: Cử tri đánh giá cao kết quả chuyến công tác của Thủ tướng tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh, thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Đặc biệt, thông điệp của Thủ tướng đã thể hiện rõ quan điểm, lập trường Việt Nam về vấn đề toàn cầu biến đổi khí hậu, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn, nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan tâm và sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam, nhất là vào khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đại biểu Liên mong muốn Thủ tướng cho biết các giải pháp đột phá thu hút đầu tư nước ngoài trong và sau đại dịch?

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Đầu tư nước ngoài góp phần giải quyết các vấn đề về vốn, công nghệ, năng lực quản lý và đào tạo nguồn nhân lực.

Về các giải pháp đột phá, các Bộ trưởng, nhất là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã trao đổi nhiều về thể chế, hạ tầng… Thủ tướng cho biết có hai điểm rất quan trọng mà trong các phiên làm việc vừa qua với các nước, các tập đoàn, doanh nghiệp, họ đều rất quan tâm.

Thứ nhất là ổn định chính trị để họ an tâm đầu tư lâu dài một nguồn vốn rất lớn, như Ngân hàng Standard Chartered sẵn sàng dành 8 tỷ USD đầu tư cho chúng ta phát triển bền vững, trong đó sẵn sàng đầu tư vào Đồng bằng Sông Cửu Long.

Thứ hai là con người Việt Nam, ngoài truyền thống cần cù lao động, thương yêu lẫn nhau, linh hoạt sáng tạo thì chủ trương của chúng ta rất được hoan nghênh, theo đó, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của phát triển, dứt khoát không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Liên quan tới thu hút FDI, chiều ngày 11/11, trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhắc tới điểm sáng trong bức tranh phục hồi của doanh nghiệp sau khi nhận được hỗ trợ là tập đoàn Nike. Theo đó, Tập đoàn Nike có khoảng 200 doanh nghiệp với 500.000 lao động. Khi tình hình dịch căng thẳng, tập đoàn này đã chuyển 30% đơn hàng ra nước khác.

Tuy nhiên, thông tin trước Quốc hội, Bộ trưởng Dũng cho biết, Nike không chuyển hẳn đơn hàng ra nước ngoài, mà chỉ chuyển sang hệ thống của tập đoàn ở nước khác. Đáng chú ý, hiện nay, tập đoàn đã quay lại 100% sau khi Việt Nam có các Nghị quyết 128, 105 kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại COP26 vừa qua, đại diện Nike đánh giá rất cao và cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng. Tập đoàn cũng cam kết tin tưởng và ở lại Việt Nam lâu dài. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sự cam kết của doanh nghiệp cho thấy hiệu quả của chính sách Việt Nam đã đưa ra trong thời gian qua.

Theo Bộ KH&ĐT, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 10 tháng năm nay theo hình thức đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn và hấp dẫn.

Cụ thể, 10 tháng có 1.375 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt trên 13 tỷ USD; 776 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,09 tỷ USD; 3.063 lượt góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt 3,63 tỷ USD. Ước tính, 10 tháng năm nay các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 15,15 tỷ USD vốn FDI, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Các nhà doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nếu xét về số lượng dự án mới thì công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm 33,1% tổng số dự án đầu tư vào Việt Nam 10 tháng.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/hai-yeu-to-tao-nen-suc-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-cua-viet-nam-1082248.html