Haiti: Ai đứng sau vụ ám sát Tổng thống?
Đất nước Haiti nghèo khó ở Caribe có nguy cơ tiếp tục bất ổn sau vụ sát hại Tổng thống Jovenel Moise hôm 7-7. 6 tay súng bị bắt giữ, 7 bị tiêu diệt và cuộc truy lùng vẫn đang tiếp tục trong khi đất nước không có nguyên thủ cũng như quốc hội để quyết định nhiều vấn đề hệ trọng.
Các quan chức Haiti cam kết sẽ tìm ra tất cả những kẻ chịu trách nhiệm cho cuộc đột kích sát hại Tổng thống Moise. Chính phủ Haiti đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 2 tuần để truy lùng những kẻ ám sát. Thủ tướng tạm quyền, Claude Joseph lên truyền hình kêu gọi người dân bình tĩnh và tuyên bố “hành động man rợ này sẽ bị trừng trị!”.
Tổng thống Moise, cựu doanh nhân 53 tuổi và vợ đã bị những sát thủ có vũ trang chuyên nghiệp bắn chết vào khoảng 1 giờ sáng ngày 7-7 giờ địa phương. Cuộc tấn công diễn ra tại ngôi nhà của ông Moise ở quận Pelerin 5 của Pétionville, một khu vực giàu có của thủ đô Port-au-Prince. Cảnh sát cho biết, ông Moise đã bị bắn hàng chục phát và chết ngay tại hiện trường, còn vợ ông thì bị thương nặng. Văn phòng và phòng ngủ của tổng thống đã bị lục soát. Đã diễn ra một cuộc đấu súng khi cảnh sát truy đuổi những sát thủ. 7 trong số các nghi phạm đã bị tiêu diệt. 6 người bị bắt giữ và 3 sĩ quan cảnh sát bị bắt làm con tin được giải thoát.
Vụ tấn công xảy ra chỉ 24 giờ sau khi ông Moise bổ nhiệm Thủ tướng mới, Ariel Henry, để đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Chính phủ và chuẩn bị đất nước cho cuộc bầu cử tổng thống trong 2 tháng tới. Hôm 8-7, đất nước Haiti đã trở thành quốc gia không có nguyên thủ, còn quốc hội thì đã bị đình chỉ từ lâu, 2 thủ tướng lâm thời - người mới nhất sẽ tuyên thệ nhậm chức trong những ngày tới. Giới quan sát nhận định, vụ ám sát có thể sẽ đẩy quốc gia Caribe nghèo khó vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa sau vài năm bất ổn chính trị và bạo lực.
Các giả thuyết về kẻ đứng sau vụ sát hại Tổng thống Moise đang lan truyền ở cả Haiti và nước láng giềng Cộng hòa Dominica. Giữa các tuyên bố rằng một số kẻ tham gia vụ tấn công nói tiếng Tây Ban Nha, tờ Diario Libre của Dominica đưa tin rằng các nhà điều tra ở đó đang xem xét khả năng một số sát thủ có thể đã trốn khỏi Haiti. Lại có một giả thuyết cho rằng một đội nổi tiếng gồm người Colombia và Venezuela đã ký hợp đồng với những nhân vật quyền lực ở Haiti liên quan đến buôn bán ma túy và tội phạm khác đã ra lệnh sát hại ông Moise.
Theo Đại sứ Haiti tại Washington, Bocchit Edmond, những kẻ ám sát ông Moise tuyên bố là thành viên của Cơ quan Kiểm soát ma túy Mỹ (DEA) khi họ bước vào nơi ở của ông. Edmond nói với tờ The Guardian: “Đây là một cuộc tấn công của biệt kích được dàn dựng tốt. Họ tự giới thiệu mình là đặc vụ DEA, nói với mọi người rằng họ đến thực thi nhiệm vụ của DEA”. Trong video lan truyền trên mạng xã hội, người ta nghe thấy một người đàn ông nói giọng Mỹ bằng tiếng Anh qua loa: “Hoạt động của DEA. Mọi người đứng xuống. Hoạt động của DEA. Mọi người lùi lại, đứng xuống”. Edmond nói: “Đó có thể là lính đánh thuê nước ngoài, vì đoạn phim cho thấy họ nói bằng tiếng Tây Ban Nha. Đó là thứ được thực hiện bởi bởi những kẻ giết người chuyên nghiệp”. Các quan chức cấp cao của Haiti thì cho rằng trong số các nghi phạm có người Haiti.
Reginald Boulos, một doanh nhân và lãnh đạo đảng MTV Ayiti đối lập, phủ nhận việc phe đối lập Haiti muốn ông Moise chết hoặc có đủ nguồn lực để thực hiện vụ giết người. Phát biểu với tờ báo Haiti Times có trụ sở tại Mỹ, Boulos nói: “Tôi không nghĩ rằng phe đối lập ở Haiti lại mong muốn làm hại Tổng thống Moise. Tôi không cảm thấy phe đối lập Haiti có khả năng thực hiện một nhiệm vụ được tổ chức tốt như vậy”.
Đất nước Caribe nghèo khó với khoảng 11 triệu dân đã phải vật lộn để đạt được sự ổn định kể từ sau sự sụp đổ của chế độ độc tài Duvalier vào năm 1986, tiếp sau đó là một loạt cuộc đảo chính và sự can thiệp của nước ngoài.
Năm 2017, ông Moise được bầu làm người kế nhiệm Michel Martelly và từng được xem là lựa chọn dễ uốn nắn và ưa thích của tầng lớp doanh nghiệp. Nhưng, ông ngày càng xa lánh một số người ủng hộ mình khi phe đối lập thách thức tính hợp pháp của ông.
Thời gian tại vị của ông được đánh dấu bằng sự gia tăng bất ổn chính trị, các cáo buộc tham nhũng và tranh chấp kéo dài về thời điểm ông tại chức sẽ kết thúc. Ông đã cầm quyền bằng sắc lệnh trong hơn một năm sau khi đất nước không tổ chức được cuộc bầu cử lập pháp và ông muốn thúc đẩy các thay đổi hiến pháp gây tranh cãi.
Đã có những giai đoạn liên tục xảy ra các cuộc biểu tình và bạo lực đường phố và sự gia tăng bạo lực băng đảng, một số trong số đó gắn liền với các đảng phái chính trị. Phe đối lập của Haiti tuyên bố ông Moise lẽ ra phải từ chức vào ngày 7-2 trùng với kỷ niệm 5 năm cuộc bầu cử bị hủy bỏ năm 2015 vì những cáo buộc gian lận. Họ cáo buộc rằng vì ông Moise không tổ chức được cuộc bầu cử lập pháp vào năm 2019 nên ông đã vi phạm hiến pháp năm 1987 của đất nước.
Thực tế là dưới sự lãnh đạo của ông Moise, tội phạm bạo lực và chính trị đã trở nên không thể phân biệt được, với căng thẳng leo thang trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực và tài nguyên, trong đó các băng nhóm vũ trang được các nhân vật chính trị và kinh doanh đối thủ hậu thuẫn. Một số nhà phê bình đã cáo buộc tay chân thân tín của ông Moise sử dụng liên minh G9 đáng sợ gồm 9 băng nhóm Haiti, do cựu cảnh sát Jimmy Cherizier (còn được gọi là Bar Grill), cầm đầu, nhắm vào đối thủ.
Sự bất ổn đã trở nên trầm trọng hơn bởi vụ bê bối Petrocaribe, một cuộc tranh cãi nảy sinh từ kế hoạch mua dầu chiết khấu từ Venezuela bằng tín dụng giá rẻ. Ý tưởng là để giải phóng quỹ cho các kế hoạch xã hội nhưng tiền đã được các chính trị gia bỏ túi.
Đầu năm nay, giữa những cáo buộc của ông Moise về một âm mưu đảo chính có kế hoạch giết ông và các cuộc biểu tình mới, ông chuyển sang bảo vệ vị trí của mình, ra lệnh bắt giữ 23 người bao gồm một thẩm phán Tòa án Tối cao và một quan chức cảnh sát cấp cao.