Haiti chìm trong cuộc chiến băng đảng: Lối thoát nào cho nước nghèo nhất Tây bán cầu?
Bạo lực băng đảng leo thang dữ dội đã buộc hầu hết Thủ đô Port-au-Prince của Haiti bị phong tỏa. Trong đó, khu dân cư Solino của Port-au-Prince đã trở thành tâm điểm của cuộc bao vây kéo dài nhiều ngày, khiến khoảng 24 người thiệt mạng.
Những khu phố yên bình cuối cùng sắp thất thủ
Tiếng súng vang vọng khắp Solino hôm thứ Năm khi các băng đảng xâm nhập nơi đây để tranh giành quyền kiểm soát khu vực này, biến Solino thành chiến trường và khiến nhiều người dân thiệt mạng vô cớ. Những cột khói đen dày đặc bốc lên trên khu phố yên bình một thời, trong khi người dân điên cuồng gọi đến các đài phát thanh kêu gọi giúp đỡ.
Ông Pierre Esperance, quan sát viên thuộc Mạng lưới Nhân quyền RNDDH cho biết kể từ cuối tuần, khoảng hai chục trường hợp tử vong đã được báo cáo trong khu Solino và những khu dân cư lân cận. “Cảnh sát không có mặt. Các lực lượng chức năng khác cũng không có mặt”, Esperance nói. “Và người dân ở các khu vực đã chặn đường phố để thể hiện tình đoàn kết với Solino”.
Lita Saintil, một người bán hàng rong 52 tuổi, cho biết đã nhìn thấy ít nhất 6 thi thể nằm trên đường khi bà trốn khỏi Solino hôm thứ Năm cùng với đứa cháu trai tuổi teen của mình. Những ngôi nhà xung quanh nhà bà đều bị các băng nhóm đốt phá, và bà đã bị mắc kẹt trong nhà hàng giờ khi tiếng súng liên tục rền vang bên ngoài.
“Bây giờ khu vực ấy rất đáng sợ,” bà Lita Saintil nói. “Tôi may mắn thoát ra được, nhưng không biết mình đang đi đâu nữa. Cuộc sống ở Port-au-Prince đã trở nên vô cùng điên rồ. Tôi chưa bao giờ nghĩ thành phố sẽ ra nông nỗi này”.
Solino, nơi sinh sống của hàng nghìn người, từng bị các băng nhóm tràn ngập trước khi phái đoàn gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc xua đuổi chúng vào giữa những năm 2000. Nhưng vụ tấn công có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với các băng nhóm, hiện được ước tính kiểm soát tới 80% Port-au-Prince và được cho rằng đã giết chết gần 4.000 người, bắt cóc 3.000 người khác vào năm ngoái.
Cuối ngày thứ Năm, cảnh sát quốc gia Haiti đưa ra một tuyên bố cho biết các sĩ quan đã được triển khai tới Solino “với mục đích truy tìm và bắt giữ những cá nhân có vũ trang đang tìm cách gieo rắc sự hoảng loạn trong dân chúng”. Chính quyền cũng công bố một đoạn video dài gần ba phút cho thấy một số cảnh sát đấu súng với các tay súng không rõ danh tính trên một sân thượng ở Solino.
Bức tranh rối ren và nút thắt khó gỡ
Nếu Solino thất thủ, các băng đảng sẽ dễ dàng tiếp cận những khu vực lân cận như Canapé Vert, nơi cho đến nay vẫn yên bình và an toàn. Do đó, các cộng đồng lân cận bắt đầu dựng rào chắn bằng cách sử dụng đá, xe tải, lốp xe và thậm chí cả cây chuối để ngăn chặn các băng nhóm xâm nhập.
Một người đàn ông đang dựng chướng ngại vật ở khu Canapé Vert cho biết anh ta đã theo dõi các cuộc biểu tình được tổ chức vào đầu tuần này bởi những người ủng hộ cựu lãnh đạo phiến quân Guy Philippe, người đã cam kết một cuộc cách mạng để đánh đuổi các băng nhóm. “Còn gì đau khổ hơn nữa,” người đàn ông từ chối nêu tên nói về cuộc khủng hoảng ở Haiti. "Chúng tôi đang chịu đựng. Đất nước đang bị băng đảng hóa”.
Giữa những lo ngại rằng bạo lực ở Solino có thể lan sang các khu vực lân cận khác, các bậc phụ huynh đã đổ xô đến các trường học trên khắp Port-au-Prince để đón con. Một bà mẹ từ chối cho biết tên vì sợ hãi nói với phóng viên báo Guardian: “Tôi không biết liệu chúng tôi có thể trở về nhà hay không. Không có phương tiện giao thông công cộng và lốp xe đang cháy khắp nơi. Chúng tôi không biết mình sẽ làm gì”.
Thủ tướng lâm thời Haiti, Ariel Henry đã cầu xin sự hỗ trợ quốc tế để dập tắt bạo lực, bao gồm cả kế hoạch thành lập một lực lượng cảnh sát đa quốc gia do Kenya lãnh đạo được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hậu thuẫn.
Tuy nhiên, những lời kêu gọi ông Henry từ chức đã làm giảm hiệu của của nỗ lực đó. Nhiệm kỳ tạm quyền của Thủ tướng Henry sẽ hết hạn vào ngày 7/2 tới và lãnh đạo phe đối lập Haiti, ông Moise Jean Charles đã kêu gọi người dân xuống đường phản đối ông Henry tiếp tục nắm quyền trong những ngày tới.
Thủ tướng Henry phải bàn giao quyền lực khi thời hạn đến hoặc có nguy cơ mất đi tính hợp pháp. Nếu không có chính phủ mới, vẫn chưa rõ ai sẽ nắm quyền nếu ông rời đi. Khi Thủ tướng Henry củng cố quyền kiểm soát đất nước vào năm 2021, ông được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới và tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia.
Hai năm trước, ông kêu gọi những nỗ lực mới để tổ chức bầu cử vào đúng ngày nhiệm kỳ của Moise sẽ kết thúc nếu ông không bị ám sát. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử liên tục bị hoãn lại, điều mà nhiều chuyên gia khu vực cáo buộc Henry cố tình làm để kéo dài nhiệm kỳ của mình.
Cuối tháng này, Tòa án tối cao của Kenya sẽ ra phán quyết về việc liệu Nairobi có thể triển khai 1.000 cảnh sát tới Port-au-Prince hay không. Quốc hội Kenya đã phê chuẩn yêu cầu này vào tháng 11 năm ngoái, nhưng tòa án đã trì hoãn lệnh này cho đến ngày 26/1 vì cho rằng nó có thể vi phạm hiến pháp của Kenya. Hiện tại, vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.
Tạp chí Foreign Policy nhận định, nếu không làm rõ câu hỏi ai sẽ nắm quyền tại Haiti trong tương lai, thì lực lượng cảnh sát Kenya dù có được triển khai cũng đứng trước nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc đấu tranh chính trị ở Haiti thay vì tập trung cho nhiệm vụ trấn áp băng đảng và vãn hồi trật tự.