Haiti trong vòng xoáy bạo lực băng đảng

Trong một thông báo mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã lên án vụ thảm sát khủng khiếp ở Haiti, ngày 4/10, khiến 70 người thiệt mạng; đồng thời cam kết tiếp tục cùng các đối tác trong khu vực giúp Haiti đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Bạo lực trên đường phố Port-au-Prince (Haiti).

Bạo lực trên đường phố Port-au-Prince (Haiti).

Truyền thông địa phương đưa tin, những kẻ tấn công mang theo súng trường tự động xông vào một thị trấn, giết chết ít nhất 70 người và buộc hơn 6.000 người phải chạy trốn. Vụ tấn công này xảy ra vào sáng sớm tại Pont Sonde - vùng nông nghiệp Artibonite ở phía tây Haiti. Thủ lĩnh băng đảng Gran Grif, Luckson Elan, đã nhận trách nhiệm về vụ thảm sát, nói rằng đó là để trả thù cho việc cảnh sát và các nhóm dân phòng giết chết binh lính của nhóm này.

Đây là một trong những vụ tấn công chết chóc nhất trong những năm gần đây tại Haiti, quốc đảo vùng Caribe đã và đang phải hứng chịu nhiều vụ thảm sát, nhưng ít công lý cho các nạn nhân.

“Tội ác ghê tởm này đối với phụ nữ, trẻ em và những người không có khả năng tự vệ không chỉ là một cuộc tấn công nhằm vào các nạn nhân mà còn nhằm vào toàn bộ quốc gia Haiti” - Thủ tướng Haiti Garry Conille nói.

Vụ giết người là dấu hiệu mới nhất cho thấy xung đột đang ngày càng tồi tệ ở Haiti, nơi các băng đảng vũ trang kiểm soát một phần thủ đô Port-au-Prince và đang mở rộng sang các khu vực lân cận, gây ra nạn đói và khiến hàng trăm nghìn người rơi vào tình trạng vô gia cư. Trong bối cảnh đó, đáng chú ý khi bà Bertide Horace - phát ngôn viên của tổ chức có tên Đối thoại và Hòa giải cho rằng “băng đảng đã không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào, khi mà các cảnh sát vẫn ở trong đồn, có lẽ họ nghĩ rằng họ sẽ bị các thành viên băng đảng áp đảo về mặt hỏa lực”.

Bà Horace cho biết thêm rằng, nhiều nạn nhân đã bị bắn vào đầu khi các thành viên băng đảng đi đến từng nhà. “Chúng tự do bắn bất kỳ ai, mọi người chạy khắp nơi. Chúng đi bộ, bắn người, giết người, đốt người, đốt nhà, đốt xe“.

Trong một diễn biến khác, Chương trình Lương thực thế giới (WEF) của Liên hợp quốc cho rằng việc các băng đảng hoạt động bằng cách tống tiền nông dân, buộc nông dân phải rời bỏ đất đai của họ đã khiến giá lương thực tăng vọt, đẩy 5 triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và hàng nghìn người ở ngay thủ đô Port-au-Prince cũng rơi vào cảnh đói kém. Nói cách khác, gần 50% dân số Haiti phải vật lộn để tự nuôi sống bản thân khi bạo lực băng đảng lan rộng, trong đó một số khu vực đã cận kề nạn đói.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công bạo lực vào thường dân và cho biết từ đầu năm đến hết tuần đầu tháng 10/2024, hơn 3.600 người đã thiệt mạng do bạo lực băng đảng tại Haiti.

Peter Stano - người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) về các vấn đề chính sách đối ngoại khẳng định EU sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt cụ thể đối với những cá nhân và tổ chức có liên quan. Ông Stano cũng cho rằng, do tính cấp thiết của tình hình rất cần sớm triển khai đầy đủ Phái bộ Hỗ trợ an ninh đa quốc gia để “chung tay” với Cảnh sát quốc gia Haiti chống bạo lực băng đảng và khôi phục luật pháp, đồng thời phát triển các giải pháp lâu dài kết hợp mối quan hệ nhân đạo và hòa bình để hỗ trợ người dân Haiti.

Đầu tháng 9, Chính phủ Haiti đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc kéo dài 1 tháng do tình hình tội phạm và bạo lực ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, đó cũng không phải là lần đầu tiên. Trước đó, tháng 3, tình trạng khẩn cấp cũng đã được ban bố trên toàn khu vực phía Tây, nơi có thủ đô Port-au-Prince, sau khi tình hình an ninh tại đây không đảm bảo với nhiều vụ bạo loạn.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) một lần nữa đã phải lên tiếng cảnh báo về tình hình nghiêm trọng ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti, trong bối cảnh bị các băng nhóm vũ trang vây hãm, kiểm soát. WHO cho rằng, Haiti đang chìm trong bạo lực ở mức độ chưa từng có, gây lo ngại về một thảm họa nhân đạo khi 4,97 triệu người trong tổng số hơn 11 triệu dân nước này phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính và 1,64 triệu người ở mức độ khẩn cấp.

Đại diện WHO cho biết, không loại trừ tình hình sẽ ngày càng xấu đi nếu khả năng tiếp cận các nguồn cung cấp y tế thiết yếu không sớm được cải thiện. Cụ thể, máu, thuốc gây mê và các loại thuốc thiết yếu đã cạn kiệt, trong khi chỉ một nửa số các cơ sở y tế ở thủ đô của Haiti còn hoạt động.

Ông Antoine Maillard - Điều phối viên y tế của Liên minh Hành động Y tế quốc tế (ALIMA) tại Port-au-Prince, cho biết: “Tình hình thực sự khó khăn và ảnh hưởng đến hoạt động của chúng tôi hàng ngày”. Dẫn lời giới chức Thủ đô Port-au-Prince, ông Maillard cho rằng bạo lực băng đảng đã khiến khoảng 200.000 người dân thành phố này phải rời bỏ nhà cửa. “Nhiều người chen chúc trong các trường học bỏ hoang. Nhưng các nhân viên cứu trợ đã không thể tiếp cận do có quá nhiều tiếng súng” - ông Maillard nói.

Bà Denise Duval, 65 tuổi, cư dân Thủ đô Port-au-Prince cho biết, bà cũng như hầu hết những người khác không thể mua được các loại thuốc cần thiết và càng không thể tới khám bác sĩ. “Nghe tiếng súng suốt ngày đêm, không bị bệnh thì cũng thành ra bệnh” - bà Duval nói.

Bạo lực kéo dài ở Haiti đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Nhiều quốc gia đã rút nhân viên ngoại giao về nước, kể cả đóng cửa Đại sứ quán. Chính điều đó đã tạo thêm cơ hội cho các băng đảng hoạt động và bạo lực gia tăng.

Vậy đâu là “ánh sáng cuối đường hầm” khi vòng xoáy bạo lực băng đảng ở Haiti kéo dài? Thật đáng lo ngại khi Liên hiệp Cảnh sát quốc gia Haiti cho biết, khoảng 200 băng nhóm vẫn tiếp tục hoạt động ở đất nước này, trong đó có gần 20 băng nhóm tập trung ở thủ đô Port-au-Prince.

Nói như đại diện UNICEF tại Haiti, ông Bruno Maes, "lò lửa Trung Đông đã thu hút toàn thế giới nhưng không nên quên rằng chúng ta đang chứng kiến một thảm họa nhân đạo tại Haiti và chỉ còn rất ít thời gian để đảo ngược tình hình".

Haiti là quốc gia lớn thứ 3 trong vùng Caribe, sau Cuba và Cộng hòa Dominica. Địa hình của Haiti chủ yếu là núi non xen với vùng đồng bằng nhỏ ven biển và thung lũng sông. Haiti là nước nghèo nhất ở châu Mỹ và xếp thứ 145 trên thế giới, với thu nhập bình quân đầu người chưa tới 1.000 USD/năm. Khoảng 66% lao động Haiti làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là nông nghiệp tự túc quy mô nhỏ. Hoạt động này chỉ chiếm 30% GDP. Số liệu mới nhất từ Liên hợp quốc, cho tới ngày 6/10/2024, dân số Haiti là 11.905.083 người.

THẾ TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/haiti-trong-vong-xoay-bao-luc-bang-dang-10292185.html