Hallyu 4.0 từ Ký sinh trùng?
Bộ phim Ký sinh trùng của đạo điễn Bong Joon-ho đã phần nào chứng minh vị thế của điện ảnh Hàn Quốc với thế giới. Với 4 giải thưởng Oscar đạt được, nhiều người đang chờ đợi một hiệu ứng dây chuyền từ giải thưởng danh giá mang lại cho kinh tế xứ kim chi.
Lần đầu tiên Ký sinh trùng ra mắt tại khu vực Bắc Mỹ vào tháng 10 năm ngoái, chỉ có 3 rạp chiếu. Tuy nhiên, sau khi phim giành giải tại các liên hoan phim, đặc biệt Liên hoan phim Cannes, số lượng rạp chiếu đã liên tục tăng lên 200, 300, 400, thậm chí 900 rạp. Sau giải Oscar, hiện có tới 2.000 rạp chiếu phim Ký sinh trùng tại Bắc Mỹ. Số lượng rạp chiếu tại các nước châu Âu như Na Uy, Anh cũng tăng mạnh. Điều này có nghĩa là bộ phim hoàn toàn có thể vượt doanh thu 200 triệu USD; thậm chí có thể lập kỷ lục vượt qua cột mốc 300 triệu USD.
Ngành công nghiệp nội dung số không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn tác động đến du lịch và phân phối. Khách du lịch đang đổ xô đến các địa điểm xuất hiện trong phim Ký sinh trùng như đại lý nhỏ ở quận Mapo, cầu thang ở đường hầm Jahamun quận Jongno, cửa hàng pizza ở quận Dongjak... Số lượng du khách quốc tế thăm các địa điểm này ngày càng tăng. Trong khi đó, món ăn truyền thống Hàn Quốc đã trở thành một xu hướng phổ biến nhờ sự nổi tiếng của nhóm nhạc BTS tại Mỹ. Số lượng nhà hàng Hàn Quốc tại Mỹ đã tăng lên 8.400 vào năm ngoái so với con số xấp xỉ 5.000 vào 2 năm trước. Xuất khẩu hàng tiêu dùng cho quần áo, ô tô, đồ gia dụng, thiết bị không dây cũng chịu ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu).
Hallyu 1.0 xuất hiện cuối những năm 1990, đầu những năm 2000 khi bộ phim Bản tình ca mùa đông của Hàn Quốc làm mưa làm gió tại Nhật Bản. Hallyu 2.0 bùng nổ khi nhạc Hàn Quốc K-pop chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á. Hiện đang là thời đại Hallyu 3.0 khi sân khấu của K-pop chuyển từ châu Á sang Bắc Mỹ và châu Âu nhờ các ngôi sao thần tượng Hàn Quốc như Psy và BTS. Vậy Hallyu 4.0 sắp tới đây là gì? Đó là khi nội dung số Hàn Quốc trở thành “người chơi chính” trong xu hướng vốn đầu tư, ảnh hưởng sâu rộng đến sản xuất và phân phối. Nhiều chuyên gia cho rằng Ký sinh trùng sẽ tạo ra động lực hướng tới Hallyu 4.0.
Hàn Quốc liên tục phát triển và được đánh giá trở thành cường quốc nội dung số kể từ những năm 1990. Với sự phổ biến của nhóm nhạc BTS, K-pop đã trở thành sân khấu chủ đạo trên toàn cầu và các bộ phim Hàn Quốc đang càn quét thị trường châu Á, trong đó có Trung Quốc. Hãng tin Bloomberg dự đoán Ký sinh trùng sẽ tiếp tục thúc đẩy “quyền lực mềm” của Hàn Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin cho rằng, Hàn Quốc cần không ngừng nỗ lực để hướng đến Hallyu 4.0, nơi đầu tư mạo hiểm và đầu tư mới tập trung vào lĩnh vực văn hóa, truyền thông và nội dung để trở thành người chơi chính. Nếu không, Hàn Quốc sẽ chỉ là con rối cho nguồn vốn đầu tư lớn của Trung Quốc hay người Do Thái. Nói cách khác, Hàn Quốc sẽ chỉ dừng lại ở vị thế kẻ bám đuổi xu hướng. Do đó, tận dụng hiệu ứng của bộ phim Ký sinh trùng như bước đệm, làn sóng văn hóa Hàn Quốc cần tiến bước, tham gia điều khiển sản xuất và phân phối trên nhiều lĩnh vực liên quan.
Theo ông Chung Chul-jin, nếu quyền lực mềm của Hàn Quốc được nâng lên tầm thế giới, ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc chắc chắn sẽ trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Sự giao thoa giữa làn sóng văn hóa Hallyu và kinh tế chính là chìa khóa thành công. Nếu Hallyu có thể kết hợp các yếu tố nghệ thuật, cảm xúc, công nghệ và công nghiệp, nội dung số Hàn Quốc chắc chắn sẽ trở thành động lực xuất khẩu.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hallyu-40-tu-ky-sinh-trung-649858.html