Hàm Cần: Người dân khổ vì suối không có cầu nối liền
Mùa nắng những con suối cạn nước còn vận chuyển hàng hóa, nông sản ra bên ngoài hoặc về nhà, còn mùa mưa nước chảy siết thì ngược lại, người vùng cao Hàm Cần đang sống khổ như vậy, mong ngành chức năng quan tâm.
Đập tràn xuống cấp, đường vào nơi sản xuất lầy lội, còn phải băng qua những con suối không cầu, người dân Hàm Cần đang mong ngành chức năng quan tâm.
Hàm Cần, xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Nam có 1.252 hộ/4.523 khẩu chủ yếu người đồng bào dân tộc thiểu số Rai. Xã có diện tích đất tự nhiên 12.308ha, trong đó có đất nông nghiệp 9.376 ha bao gồm: Đất 04 - loại đất cấp cho hộ đồng bào theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy. Nhiều diện tích nằm sâu trong núi, bìa rừng, nơi có nhiều sông, suối khô hạn vào mùa nắng, ngập vào mùa mưa. Những năm qua Nhà nước quan tâm xây dựng kênh mương nội đồng tưới tiêu cho nhiều diện tích cây trồng như đập tràn sông Linh ở thôn 1 và đập sông Bà Bích ở thôn 3 của xã.
Mùa nắng suối cạn người dân còn qua suối, còn mùa mưa chờ cho nước rút mới dám qua.
Tuy nhiên, hiện nay các đập này đã xuống cấp nghiêm trọng không thể điều tiết nước như ban đầu mới xây. Cụ thể, đập Sông Linh bị vỡ và bồi lấp, không điều tiết nước đầy đủ cho kênh Mương Điền tưới tiêu cho nhiều diện tích lúa, đập Bà Bích luôn trong tình trạng khô hạn. Điều này ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng, chính quyền địa phương đã biết và kiến nghị ngành chức năng từ lâu.
Nhưng chuyện đó đối với họ là thứ yếu, vì không có nước kênh mương thì nhờ nước trời, cái chính là đường đi lối lại phải thuận tiện. Không phải bì bõm qua suối hàng ngày với gánh nặng nông sản, phân bón… trên vai. Mưa bão thấp thỏm lo thiệt hại về người và tài sản khi cố gắng vận chuyển hàng hóa, nông sản băng qua suối. “Mỗi khi mưa bão vận chuyển nông sản, phân bón vất vả, tội nhất là phụ nữ. Có hôm nước suối chảy xiết phải chờ cho đến khi nước rút mới dám qua…”, Mang Văn Sáng và nhiều hộ dân khác ở thôn 1, xã Hàm Cần chia sẻ nỗi khổ về suối không cầu ở khu vực kênh Mương Điền đầu thôn.
Suối ở khu vực kênh Mương Điền thuộc thôn 1, xã Hàm Cần không cầu.
Trong khi, Mang Thị Dung ở thôn 2 nói: Cứ thấy mưa lớn, chúng tôi lo về nhà sớm vì sợ suối Di chảy xiết. Bà con ở đây kiến nghị với xã huyện, nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng không thấy xây cầu hoặc cống qua suối nối liền đôi bờ thuận tiện việc đi lại cho người dân. “Không chỉ bất tiện trong vấn đề vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất mà các em học sinh đi học cũng khó khăn. Nhiều em phải nghỉ học nếu mưa đêm kéo dài đến sáng”, Dung nói thêm.
Điều ấy có liên quan đến những năm gần đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã làm nhà trên rẫy ở cho tiện việc chăn nuôi và sản xuất. Không ít người ở nơi khác cũng đến đây mua đất đầu tư sản xuất nông nghiệp để nơi đây thêm trù phú, nhưng đường đi lối lại khó khăn. Người dân cũng đã hùn hạp tiền mua đất đổ đường đi cho bớt sình lầy, nhưng việc xây cầu, cống qua suối thì ngoài khả năng cho phép.
Suối Di không cầu ở thôn 2, xã Hàm Cần
Cho đến nay, Hàm Cần chưa về đích nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Tính đến thời điểm hiện tại, xã này chỉ đạt 5/19 tiêu chí, nhiều tiêu chí chưa đạt, trong đó có giao thông, thủy lợi. Hiện trên địa bàn xã đã nhựa hóa nhiều tuyến trục chính, đường liên thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ các tuyến đường bê tông hóa chưa đạt theo quy định. Xã đã chỉ đạo các thôn tiếp tục rà soát, đăng ký xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn mới… Ngoài đường giao thông, Hàm Cần kiến nghị ngành chức năng có liên quan xem xét xây cầu hoặc cống qua những con suối để người dân yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống. Ông Nguyễn Duy Ninh – Phó phòng Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam cho biết, chúng tôi thường xuyên đề nghị các xã, phải rà soát lại những khó khăn để báo cáo UBND huyện xem xét đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi việc đi lại cho bà con yên tâm tăng gia sản xuất cải thiện cuộc sống. Rất mong ngành chức năng địa phương quan tâm và sớm đầu tư xây cầu qua suối để người dân ổn định sản xuất và sinh sống.