Nguyên nhân nào khiến Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga được đặt trong tình trạng báo động chiến đấu ở mức cao nhất là vấn đề gây thắc mắc đối với giới truyền thông quốc tế.
Theo thông tin báo chí của Hạm đội Thái Bình Dương - Hải quân Nga, một phân đội tàu chiến của đơn vị đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận và đang triển khai lực lượng ở Biển Nhật Bản.
Các tàu hộ tống thế hệ mới nhất, bao gồm những chiếc "Anh hùng Liên bang Nga Aldar Tsydenzhapov", "Gromky" và "Sovershennyy" đã tham gia hoạt động tác chiến theo một biên đội.
Trước khi các con tàu ra khơi, một báo động tác chiến đã được ban hành và các thủy thủ đoàn phải nhanh chóng vạch ra những biện pháp chuẩn bị khẩn cấp cho biên đội trong tình huống diễn ra trận chiến đơn lẻ và chiến dịch.
Ở giai đoạn đầu của cuộc tập trận, các thủy thủ đoàn của tàu hộ tống đã vượt qua thành công sự hạn chế trong thành phần biên đội tàu và tiến hành huấn luyện khoa mục liên lạc.
Ở giai đoạn thứ hai của cuộc tập trận, dự kiến các thủy thủ sẽ tiến hành huấn luyện phòng không và phòng thủ chống ngầm, với sự tham gia của trực thăng Ka-27PL thuộc lực lượng hàng không hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương.
Các thủy thủ đoàn sẽ tiến hành tìm kiếm và tiêu diệt "tàu ngầm đối phương". Mục đích chính của việc kiểm tra liên tục là tăng khả năng giải quyết vấn đề, sẵn sàng chống lại hành động quân sự có thể xảy ra từ kẻ thù tiềm tàng.
Hoạt động thị sát do Tư lệnh Hải quân Nga - Đô đốc Nikolai Evmenov dẫn đầu. Đây là một phần của cuộc kiểm tra bất ngờ, diễn ra khi biên đội tàu chiến thực hiện vụ phóng tên lửa để tiêu diệt các nhóm tấn công hải quân và mục tiêu trên mặt đất của đối phương.
Bên cạnh đó, tàu chiến mặt nước cũng huấn luyện tương tác với máy bay ném bom tầm xa. Toàn bộ hoạt động đều nhằm mục đích chuẩn bị cho hạm đội trước các hoạt động quân sự có thể xảy ra và tăng cường khả năng chiến đấu.
Ở giai đoạn cuối của cuộc tập trận, các đơn vị tàu mặt nước sẽ thực hành hỗ trợ chống phá hoại, bao gồm cả việc phong tỏa đường biển, phát hiện biệt kích...
Tất cả những cuộc tập trận diễn ra gần đây như một phần của quá trình chuẩn bị, để cho các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thực tế.
Hoạt động của Hạm đội Thái Bình Dương đã được phía Nhật Bản theo dõi sát sao, đây là điều dễ hiểu khi mới đây Tokyo đã nói nhiều hơn về việc cần phải xây dựng kịch bản lấy lại Quần đảo Kuril (Vùng lãnh thổ phương Bắc) do Nga kiểm soát bằng vũ lực.
Không loại trừ khả năng việc Hạm đội Thái Bình Dương "khoe cơ bắp" nhằm mục đích chính là "hạ nhiệt" bớt quan điểm cứng rắn trong chính giới Nhật Bản, khi Moskva cho Tokyo thấy rõ sức mạnh của mình.
Bên cạnh đó Hải quân Nga cũng cần phải khẳng định rằng mình vẫn là một cường quốc hải quân và có khả năng tung lực lượng tới những vùng biển quan trọng nhất thuộc khu vực Thái Bình Dương.