Hầm Hải Vân 2 chỉ thông xe 20 ngày vì chủ đầu tư chưa được giải ngân đủ vốn?
Sáng 11/1, hầm Hải Vân 2 nối Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đã được khánh thành. Tuy nhiên, hầm chỉ thông xe trong 20 ngày trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu do chủ đầu tư chưa được giải ngân đủ vốn.
Khánh thành nhưng chỉ thông xe 20 ngày?
Theo Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (chủ đầu tư dự án), Dự án Hầm đường bộ Hải Vân 2 nối TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm trong dự án đầu tư xây dựng hầm Đèo Cả gồm: hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân 2 với tổng vốn đầu tư 26.154 tỉ đồng, trong đó, vốn hỗ trợ Nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 5.048 tỉ đồng.
Riêng hầm đường bộ Hải Vân 2 có chiều dài phần hầm 6,2 km (2 làn xe rộng 7m), đường dẫn phía bắc 1,7 km và đường dẫn phía nam 4 km. Hầm Hải Vân 2 được khởi công tháng 4/2016 theo 2 giai đoạn, tổng mức đầu tư cả hai giai đoạn là 7.293 tỉ đồng.
Trong đó, giai đoạn 1 gồm nâng cấp đoạn tuyến Quốc lộ 1A qua đèo Hải Vân và nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 đã hoàn thành vào tháng 8/2017. Giai đoạn 2 là công mở rộng ống hầm Hải Vân 2 (trên cơ sở hầm lánh nạn cũ) và đến tháng 9/2020 kết thúc thi công.
Dự kiến, khi hoàn thành, hầm Hải Vân 2 sẽ được đưa vào khai thác song song với hầm Hải Vân 1 và cho phương tiện chạy 1 chiều theo chiều ngược lại với hầm Hải Vân 1, góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở hầm Hải Vân 1. Việc này đáp ứng nhu cầu di chuyển của phương tiện khi lưu thông một chiều mỗi ống hầm, góp phần đảm bảo an toàn giao thông giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.
Quang cảnh buổi khánh thành hầm Hải Vân 2
Tuy nhiên, sau lễ khánh thành, chủ đầu tư chỉ cho phép phương tiện lưu thông qua hầm Hải Vân 2 trong 20 ngày vào dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 1/2-21/2). Sau thời gian trên, chủ đầu tư sẽ đóng cửa hầm 2 và chỉ hoạt động hầm 1 như cũ để giải quyết các vướng mắc tài chính.
Hối giải ngân 1.180 tỉ đồng vốn dự án
Theo đại diện chủ đầu tư, hầm Hải Vân số 2 đã hoàn thành và đảm bảo đầy đủ các điều kiện để đưa vào vận hành từ 11/1 khi đã được Bộ Công an nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chấp thuận kết quả nghiệm thu đưa vào khai thác và Bộ GTVT thống nhất tổ chức thông xe. Tuy nhiên, hầm chỉ mở cửa vận hành trong thời gian ngắn như trên mà không phải đưa vào sử dụng phục vụ là do vướng về phương án tài chính.
Tại buổi khánh thành hầm Hải Vân 2, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - kiến nghị: “Đề nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm bổ sung 1.180 tỉ đồng phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án từ nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025, xác định thời gian giải ngân cụ thể để làm cơ sở điều chỉnh phương án tài chính dự án”.
Đối với phương án thu hồi vốn, ông Hoàng đề nghị: “Về cơ chế thu phí trạm La Sơn - Túy Loan, đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện đúng cam kết đã ký với nhà đầu tư, trong đó có việc tiếp tục thực hiện việc thu phí tại trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả theo chủ trương đã được chấp thuận tại văn bản số 70/TTg-KTN ngày 12/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ”.
Ông Hoàng cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Tài chính giải quyết cho doanh nghiệp dự án được hoàn thuế GTGT sau ngày đưa dự án vào thu phí đối với các hóa đơn đầu vào của dự án Đèo Cả bao gồm (hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và hầm Hải Vân) hoặc bổ sung kinh phí bù đắp là 200 tỉ.
Những lượt xe đầu tiên đi qua hầm Hải Vân 2
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện điều chỉnh, cập nhật quy hoạch hướng tuyến cao tốc Bình Định, Phú Yên đảm bảo việc kết nối vào hầm Cù Mông tránh việc đầu tư lãng phí.
Được biết, hầm đường bộ Hải Vân 1 được đưa vào vận hành từ tháng 6/2005, góp phần đảm bảo giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A với bình quân có từ 14.000-15.000 lượt phương tiện qua hầm mỗi ngày đêm. Tuy nhiên, những năm gần đây, hầm Hải Vân 1 thường xuyên xảy ra ùn tắc do lưu lượng phương tiện lưu thông gia tăng.