Hầm hạt giống được dự phòng để cứu rỗi cả thế giới
Chỉ cách Bắc cực 800 dặm, trên đảo Spitsbergen thuộc quần đảo Svalbard của Na Uy, dưới lòng đất là một cơ sở được mệnh danh là boongke ở nơi tận cùng thế giới. Đó chính là Hầm hạt giống thế giới - nơi được kỳ vọng sẽ cứu rỗi loài người khỏi nạn đói nếu xảy ra thảm họa.
Hầm hạt giống này chứa hơn 1 triệu giống của 6.000 loài thực vật mọc ở mọi vùng khí hậu và lục địa trên hành tinh. Mục tiêu của cơ sở lưu trữ này là đảm bảo rằng loài người có thể tiếp tục sản xuất lương thực trong trường hợp xảy ra thảm họa.
Hầm hạt giống hoạt động như một chiếc két an toàn trong ngân hàng
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), trong số 6.300 giống vật nuôi được liệt kê trên Trái đất trong thế kỷ 20, chỉ có 1.300 loài còn tồn tại. Với các loài thực vật, 75% đã biến mất và cứ 3 loài thì 2 loài có nguy cơ tuyệt chủng. Ước tính, thiên nhiên có hơn 400.000 loài thực vật, nhưng chỉ từ 8.000 - 10.000 loài có thể dùng để sản xuất lương thực. Tuy nhiên, nguồn cung lương thực toàn cầu về cơ bản chỉ khoảng 200 loại hạt giống. Trong số đó, 9 loại gồm mía, ngô, lúa mì, gạo, khoai tây, đậu tương, cọ, củ cải đường và sắn chiếm 2/3 tổng sản lượng lương thực của thế giới.
Quá trình đa dạng sinh học bị bào mòn đến báo động vào những năm 1980 đã khiến các tổ chức quốc tế như FAO và Ngân hàng Thế giới nhận ra cần phải bảo vệ các loài hạt giống đang có để đảm bảo cung cấp lương thực cho dân số thế giới, với dự kiến sẽ tăng lên thành 10 tỷ người vào năm 2050. Do đó, FAO đã đưa ra ý tưởng thành lập một ngân hàng hạt giống thế giới, nơi tập hợp tất cả các loại hạt giống toàn cầu có liên quan đồng thời lưu trữ bản sao dự phòng các giống để có thể sử dụng bất cứ khi nào cần thiết. Ở khía cạnh này, hầm hạt giống thế giới hoạt động giống như một chiếc két an toàn trong ngân hàng.
Ông José Esquinas, kỹ sư nông nghiệp và chuyên gia về di truyền học, đã gia nhập FAO vào năm 1978. Từng là Thư ký của Ủy ban Liên chính phủ về Tài nguyên Di truyền cho Lương thực và Nông nghiệp trong 30 năm, ông Esquinas là một trong những người thúc đẩy sáng kiến xây dựng một kho lưu trữ để bảo vệ hạt giống và đa dạng sinh học. Mặc dù có nhiều cơ sở ứng viên được đề cử, nhưng vào năm 2008, người ta quyết định sẽ xây dựng ở Svalbard.
Đảm bảo nguồn dự trữ duy trì lâu dài trong 2 thế kỷ
Hầm hạt giống đặt mục tiêu đảm bảo nguồn dự trữ duy trì lâu dài trong 2 thế kỷ, ngay cả khi các bộ phận làm lạnh bị hỏng. Nó nằm ở độ sâu 130m bên trong một mỏ đá sa thạch cũ và ở độ cao 130m so với mực nước biển, với nhiệt độ không đổi là -18 độ C. Cơ sở trải rộng trên diện tích khoảng 1.000m2, được chia thành nhiều buồng khác nhau, hầu như không có ánh sáng. Hạt giống - khoảng 500 hạt mỗi lô và được khử nước ở độ ẩm 5% - được giữ trong phong bì được bọc bằng nhiều lớp giấy nhôm và được bảo quản trong hộp có ghi tên loài và các thông tin khác.
Hầm hạt giống thế giới thuộc sở hữu của Nhà nước Na Uy và khoản đầu tư ban đầu là 29 triệu euro, trong đó 20 triệu euro để khử ẩm. Phí bảo trì hàng năm vào khoảng 1 triệu euro, được hỗ trợ tài chính bởi FAO, quỹ Ủy thác đa dạng cây trồng toàn cầu cũng như Quỹ Bill và Melinda Gates. Cơ sở này đã được xây dựng có sức chịu được các vụ phun trào núi lửa và động đất lên tới 10 độ richter, và khu vực xung quanh đã được tuyên bố là khu vực phi quân sự.
Kể từ khi vận hành, hơn 1 triệu loại hạt giống đã được 86 quốc gia và tổ chức ký gửi, đại diện cho gần 6.000 loài. Cho đến nay, tổ chức duy nhất rút hạt giống gửi tại ngân hàng là Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế ở Vùng khô hạn (ICARDA), sau khi nguồn hạt giống được lưu trữ tại nhà kho của họ ở Aleppo, Syria, đã bị phá hủy do hậu quả của cuộc nội chiến tại Syria. Vào năm 2015, tổ chức đã thu hồi 50.000 hạt giống để gieo trồng và sau quá trình canh tác và thu hoạch, tổ chức đã gửi lại 50.000 hạt giống khác cùng loại để lưu trữ.
Chuyên gia Jose Esquinas lưu ý, thực tế là ngày nay, nguồn cung cấp lương thực toàn cầu liên quan đến không quá 150 loại hạt giống phổ biến. Những giống này rất đồng đều, ổn định và thích nghi tốt hơn với việc sử dụng thuốc trừ sâu hoặc hóa chất nông nghiệp, nhưng cũng chính vì lý do đó, chúng dễ bị bệnh và thích nghi kém với thời tiết khắc nghiệt. Trong bối cảnh này, ông
Esquinas cho rằng, do hạt giống mới được ưa chuộng hơn nên nền nông nghiệp năng suất cao hơn, nhưng đó cũng là một nền nông nghiệp dễ bị tổn thương hơn nhiều.
Theo Theo El Pais