Ham muốn nổi tiếng dẫn tới nạn bắt nạt học đường
Bắt nạt học đường diễn ra nghiêm trọng có một phần xuất phát từ khao khát trở thành il jin - cụm từ chỉ người cầm đầu hội, nhóm có tiếng ở trường của học sinh Hàn Quốc.
Chỉ trong vòng tháng 2, liên tiếp các vụ bê bối xảy ra, gần như hủy hoại sự nghiệp của nhiều nhân vật thuộc giới thể thao và làng giải trí Hàn Quốc khi hàng loạt nạn nhân đứng lên tố cáo bị người nổi tiếng bắt nạt khi còn đi học.
Cặp "nữ thần bóng chuyền" Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong bị cấm thi đấu vô thời hạn. Thành viên Seo Soo Jin của nhóm (G)I-dle, Lee Na Eun (nhóm April), nam diễn viên Cho Byung Gyu, nữ diễn viên Park Hye Soo đều chịu kết cục bị khán giả tẩy chay, nhãn hàng quay lưng, sự nghiệp đóng băng.
Trước tình trạng quá khứ bạo lực của nhiều ngôi sao bị phanh phui, chuyên gia đánh giá vấn nạn bắt nạt diễn ra nghiêm trọng tại các trường học ở Hàn Quốc được coi là hệ quả từ sự thiếu giáo dục về vấn đề này, theo South China Morning Post.
Đi bắt nạt để nổi tiếng ở trường
"Cần phải có sự đồng thuận của công chúng về cách các thủ phạm chịu trách nhiệm cho hành vi bắt nạt. Tuy nhiên, chúng ta cần tránh một cuộc 'săn phù thủy'. Lý do là nhiều khi bản thân những học sinh bạo lực là nạn nhân của chính họ - những người không được giáo dục về bản chất của bắt nạt", Sung Yun-sook, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Phòng chống Bạo lực Học đường tại Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia Hàn Quốc, cho biết.
"Ở lứa tuổi đi học, nhiều thanh thiếu niên có mong muốn được nổi bật trong đám đông. Vì các trường học ở Hàn Quốc rất chú trọng đến điểm số, những đứa trẻ không phải học sinh giỏi trong lớp nghĩ ra nhiều cách khác để gây chú ý", Sung phân tích.
Một trong những cách đó là trở thành il jin - người cầm đầu của một hội, nhóm nổi bật, có tiếng trong trường.
Xét về khía cạnh nào đó, Sung cho biết những đặc điểm của một il jin giống với cách người nổi tiếng nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Và đôi khi, il jin ở trường học trở thành người nổi tiếng ngoài đời thật sau này.
Choi Jung-min (20 tuổi) vẫn còn nhớ khoảng thời gian bị bắt nạt tập thể ở trường cấp 2. Những người bạn cùng lớp nhốt cô vào phòng tắm nữ, đổ nước vào người cô. Lần khác, điện thoại của Choi bị lấy trộm và giấu đi.
Cô cho biết một trong những kẻ bắt nạt mình hiện là thực tập sinh tại một công ty giải trí.
"Ở Hàn Quốc, những kẻ bắt nạt có quyền tự do làm người nổi tiếng", Choi - người đang làm việc bán thời gian tại một cửa hàng tiện lợi trong lúc ôn thi đại học - bày tỏ sự thất vọng.
Lần đầu tiên bị bắt nạt, Choi đánh nhau với một bạn học nam 12 tuổi khi người này và các học sinh khác trêu đùa hội đồng người em trai đang gặp vấn đề tâm lý của cô.
Không lâu sau, những tin đồn về hành vi bạo lực và "bản chất bẩn thỉu" của Choi lan truyền khắp trường. Đến khi chuyển đi nơi khác, Choi thừa nhận ký ức ở ngôi trường cũ vẫn gây ám ảnh.
"Tôi từng đến nói chuyện với cha mẹ của cậu bé đánh tôi. Họ coi hành vi của con trai như một trải nghiệm bình thường thời niên thiếu. Nhưng họ không hiểu nạn nhân sẽ phải đối mặt với cảm giác đau đớn như một cơn ác mộng dai dẳng", Choi nói.
Nhà trường thờ ơ
Phương tiện truyền thông ở Hàn Quốc cũng bị cho là nguyên nhân thúc đẩy vấn nạn bắt nạt học đường, khi các il jin thường là nhân vật chính trong cả phim điện ảnh và phim truyền hình.
Choi Tae-il (30 tuổi) làm việc tại một trường cấp 2 ở thành phố Paju với tư cách quản lý trường học, cho biết nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm vì đã không có hành động mạnh mẽ hơn đối với vấn đề bắt nạt nghiêm trọng.
“Nhà trường có một ủy ban đánh giá bạo lực học đường nhưng tôi chưa bao giờ thấy ủy ban này hoạt động trong thời gian tôi làm việc” Tae-il, người cũng từng bị bạn bè ức hiếp khi còn nhỏ, cho biết.
“Thay vào đó, đa số các vụ bắt nạt chỉ được nhà trường biết đến sau khi cha mẹ nạn nhân báo cáo", anh nói thêm.
Trong thông báo hồi tháng 1, Bộ Giáo dục nước này cho biết 34% học sinh cấp 1-2 đã báo cáo chuyện mình ức hiếp tại trường, trong khi 26% nói rằng từng bị bắt nạt tập thể. 45% các vụ bắt nạt học đường xảy ra vào năm 2020 là do người giám hộ hoặc người thân lên tiếng tố cáo.
Giám đốc Sung, từ Trung tâm Giáo dục Phòng chống Bạo lực Học đường, cho biết cần có sự thay đổi trong cách xã hội nhìn nhận về bắt nạt và hậu quả của nó.
“Học sinh cần biết rằng thật vô nghĩa và đáng xấu hổ khi nhận được sự chú ý từ người khác từ cách thực hiện hành vi bạo lực - điều để lại nỗi đau vĩnh viễn cho nạn nhân và vết nhơ cho chính người gây ra nó", cô nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/danh-dap-ban-hoc-de-tro-nen-noi-tieng-post1193132.html