'Hâm nóng' cải cách thủ tục hành chính

Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương có kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giai đoạn 2022- 2025, với mục tiêu là cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục hành chính nội bộ và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ. Đây là yêu cầu cần thiết khi mà 'sức nóng' cải cách thủ tục hành chính dường như đang 'hạ nhiệt' ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương.

“Bất cứ một Sở nào cũng đều có quyền ra quy định hành chính trở thành rào cản lớn với doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cảm nhận dường như quyền lực của cơ quan quản lý được hiện hữu ở các văn bản pháp lý quá nhiều, thay vì cải cách giảm nhẹ thủ tục.

Quy trình giải quyết thủ tục kéo dài

Không chỉ nêu vướng mắc gặp phải trong lĩnh vực bất động sản như quy định phòng cháy chữa cháy, ông Hiệp kể một câu chuyện rào cản pháp lý liên quan tới thủ tục đầu tư. Ông có một người bạn là Việt kiều Đan Mạch muốn về Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất sữa cho người già. Kết quả, người bạn này phải mất 2 năm mới hoàn thiện được thủ tục xin cấp phép đầu tư, thậm chí phải nhờ "người quen" hỗ trợ.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh việc giải quyết các thủ tục hành chính đang kéo dài.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh việc giải quyết các thủ tục hành chính đang kéo dài.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phản ánh quy trình giải quyết thủ tục hành chính kéo dài. Quy định nêu rõ tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng định nghĩa nhà đầu tư nước ngoài lại khác nhau ở một số địa phương, điều này làm khó cho nhà đầu tư.

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam đã gặp phải vấn đề xin cấp phép dự án tại địa phương, với quy trình thủ tục kéo dài. “Nhiều địa phương không đưa ra quyết định, kéo dài thời gian cấp phép, ảnh hưởng tới nguồn vốn FDI tại Việt Nam”, vị đại diện EuroCham phản ánh.

Các doanh nghiệp châu Âu được khảo sát cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tài chính để nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo EuroCham, 53% doanh nghiệp châu Âu phản ánh các quy định không rõ ràng và 50% cho rằng thủ tục hành chính rườm rà, đây là những rào cản pháp lý chính hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng cho biết, việc đảm bảo thị thực và giấy phép lao động cho lao động nước ngoài luôn là một thách thức đối với các doanh nghiệp, với hơn 80% doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau. Thời gian xử lý kéo dài là vấn đề cấp bách nhất. Ngoài ra, gần một nửa số công ty được khảo sát gặp khó khăn với quy trình giải trình cho việc thuê lao động nước ngoài.

“Những trở ngại này ảnh hưởng tới việc chuyển giao kiến thức cho nhân sự Việt Nam và ảnh hưởng đến 3/4 số công ty được khảo sát”, EuroCham cho biết.

Xử lý triệt để, dứt điểm khó khăn cho doanh nghiệp

Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM kể câu chuyện mà các doanh nghiệp trong ngành này đang gặp phải mà theo bà, đây là vấn đề cũ nhưng vẫn rất bức xúc. Cách đây 5 năm, Chính phủ ban hành Nghị định 09 yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, chế biến có sử dụng gì liên quan tới muối phải bổ sung i-ốt. Đây là bất cập, đi ngược lại quy định của Tổ chức Y tế Thế giới, làm đội chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Sau đó, các doanh nghiệp đã kiến nghị tới Chính phủ. Chính phủ đã giao Bộ Y tế sửa đổi Nghị định trên, kết quả là Bộ Y tế sửa quy định trên thay “phải” bằng “khuyến khích” doanh nghiệp sử dụng muối i -ốt. “Như vậy là chúng tôi vẫn làm sai luật”, bà Chi cho hay, điều này ảnh hưởng lớn vì sản phẩm bởi không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm kiến nghị Bộ Y tế sửa quy định trên.

Thực tế, doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề khác nhau cũng phản ánh sức “nóng” về cải cách môi trường kinh doanh đang “hạ nhiệt” trong giai đoạn từ khi dịch COVID-19 xuất hiện cho tới nay. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Công điện nêu rõ trong thời gian gần đây, việc cải cách thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao; Phản ứng chính sách trước yêu cầu thực tiễn xã hội còn chậm, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương định kỳ hàng tháng thống kê đầy đủ những thủ tục hành chính được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

“Xử lý triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, để phản ứng chính sách kịp thời trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Trước mắt, các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung xử lý dứt điểm 396 phản ánh, kiến nghị tại mục IX Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08/7/2023 của Chính phủ”, Thủ tướng yêu cầu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025, bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục hành chính nội bộ và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/apos-ham-nong-apos-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-1093900.html