Hàm Rồng - một vùng thắng tích
Hàm Rồng - một thắng tích nổi tiếng của xứ Thanh. Ở đây, sông - núi - ruộng đồng - làng xóm hòa quyện vào nhau, tạo thành một cảnh quan thật kỳ vĩ và sinh động, với nhiều di tích lịch sử - văn hóa cách mạng, cùng những truyền thuyết còn mãi với thời gian.
Một góc Hàm Rồng hôm nay.
Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã, cách trung tâm TP Thanh Hóa gần 5km về phía Bắc. Cầu được xây dựng năm 1904 theo kiểu cầu vòm thép có trụ. Năm 1946, cầu được phá để tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1962 cầu được xây dựng lại gồm 2 nhịp dùng cho cả đường sắt và đường bộ và khánh thành ngày 19-5-1964. Đây là cầu đường sắt, đường bộ duy nhất đi qua sông Mã nối liền mạch giao thông chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt. Cầu Hàm Rồng là cây cầu gắn liền với lịch sử của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ. Cầu Hàm Rồng đã đi vào lịch sử với trận đánh ngày 3 và 4-4-1965. Trải qua bao trận mưa bom, bão đạn, cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững, hiên ngang, tựa vào núi Rồng, lung linh soi bóng trên dòng sông Mã.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vào những giờ phút một mất, một còn với quân thù, người Hàm Rồng vẫn bình tĩnh, tự tin phát huy cao độ tinh thần của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lần lượt đánh bại mọi mưu đồ đen tối của chúng. Để trả lời kẻ thù “Đây sức mạnh Việt Nam - sức mạnh của bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước”, người Hàm Rồng đã lấy đá trắng xếp trên sườn cao của ngọn Cánh Tiên thành hai chữ “Quyết Thắng”, để tỏ rõ sự quyết tâm tiêu diệt hàng trăm “Thần sấm”, “Con ma”, “Giặc nhà trời”... của giặc Mỹ.
Đồi C4 là một trong những trận địa pháo cao xạ lừng danh nhất trên mảnh đất Hàm Rồng. Trên Đồi C4 bao gồm 2 quả đồi là đồi 57 (ra đa) hay còn gọi là đồi chỉ huy và đồi 54, nơi lực lượng đánh trực diện khi máy bay địch bổ nhào để ném bom xuống cầu Hàm Rồng. Dưới chân Đồi C4 là hai tấm bia đá lớn, một tấm bia ghi danh những thành tích trong chiến đấu của quân và dân Hàm Rồng được Đảng và Nhà nước khen thưởng; một tấm bia ghi danh 20 chiến sĩ đã ngã xuống nơi này.
Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, đê sông Mã nằm trong vùng trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Ngày 14-6-1972, các giáo viên, học sinh trường y sĩ, Trường Sư phạm 7+3 Thanh Hóa, dân công Đông Sơn và nhiều chiến sĩ đã tham gia và hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã. Tại nơi đây, 64 người đã ngã xuống. Để tưởng nhớ, ghi công các anh, các chị, một đài tưởng niệm được xây dựng ngay tại nơi xảy ra sự kiện bi thương ấy, nằm trong không gian các di tích lịch sử cách mạng khu vực Hàm Rồng. Những việc làm có ý nghĩa đó để ghi nhận: Tổ quốc và nhân dân mãi mãi không quên những người con ưu tú, đã góp một phần xương máu để đất nước hòa bình, phát triển như ngày hôm nay.
Nằm khép mình trầm mặc giữa làng Nam Ngạn, cách cầu Hàm Rồng khoảng 500m về phía hữu ngạn sông Mã, chùa Mật Đa mang hàm nghĩa là rừng cây thơm ngọt của đất Phật. Chùa Mật Đa không chỉ là ngôi chùa đẹp linh thiêng trong tâm nguyện của nhân dân, mà còn là một di tích lịch sử ghi dấu những sự kiện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng - Nam Ngạn (ngày 3 và 4-4-1965). Ngày nay, bên cạnh chùa Mật Đa, Tượng đài chiến thắng Nam Ngạn như minh chứng cho tinh thần bất khuất của quân và dân Nam Ngạn: “Tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc. Sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm...”.
Động Long Quang (hay còn gọi là hang Mắt Rồng) - một thắng cảnh đẹp bên cầu Hàm Rồng lịch sử. Qua 23 bậc đá tới cửa động Long Quang, nhìn toàn bộ cảnh núi Rồng - sông Mã, cầu Hàm Rồng, có thể chiêm ngưỡng cảnh trí thiên nhiên của Hàm Rồng và toàn bộ đất trời xứ Thanh mênh mông chỉ trong tầm mắt. Động nằm ở giữa, thông suốt hai bên núi đầu Rồng, đúng vị trí đôi mắt của Rồng. Cửa động mở ra hai phía Đông Bắc - Tây Nam, con mắt phải nhìn về hướng Tây Nam, xưa kia là Hạc Thành, nay là TP Thanh Hóa; con mắt trái nhìn về hướng Đông Bắc, một vùng đồng bằng rộng lớn của xứ Thanh. Từ xa xưa đã là nơi du lãm, ngâm vịnh thơ ca của các bậc vua chúa, tao nhân mặc khách ca ngợi thắng cảnh núi Rồng - sông Mã - một bằng chứng sinh động về sức hấp dẫn đặc biệt của cảnh trí Hàm Rồng. Thời kỳ chống Mỹ phá hoại cầu Hàm Rồng, động Long Quang còn là nơi làm việc của đồn công an bảo vệ cầu.
Được phát hiện vào năm 1924, Di chỉ khảo cổ học Đông Sơn đã trải qua nhiều lần khai quật và đem lại một khối tư liệu phong phú như: Nhà sàn, bếp đun, mộ táng trống đồng. Hàng vạn hiện vật độc đáo từ những trống đồng Đông Sơn, từ những hiện vật của các vùng miền xa xôi trên thế giới cho đến những mảnh gốm được nung đốt trên chính đất Đông Sơn. Tất cả đã phản ánh một cách sinh động khách quan trình độ của đời sống vật chất - tinh thần của người Đông Sơn. Đây chính là vùng đất trung tâm của văn minh lưu vực sông Mã thời kỳ Hùng Vương.
Là một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ Nam sông Mã, làng cổ Đông Sơn bao quanh là những núi đá nhỏ, đồi đất thấp nằm xen kẽ lẫn nhau. Đây là một trong những nơi tìm được trống đồng Đông Sơn và là một làng quê Việt Nam truyền thống, đậm nét văn hóa lâu đời. Nơi đây vẫn còn giếng cổ hơn 2.000 năm tuổi và 13 ngôi nhà cổ. Mỗi ngôi nhà ấy, di tích lịch sử ấy không chỉ có những giá trị về mặt kiến trúc, văn hóa thẩm mỹ mà còn mang trong mình những câu chuyện thú vị và đầy ý nghĩa. Đặc biệt ngôi nhà cổ của ông Lương Trọng Duệ, là ngôi nhà cổ bằng gỗ có kiểu kiến trúc điển hình ở thế kỷ XIX, còn tương đối nguyên vẹn, có giá trị về mọi phương diện, được gia đình ông Duệ gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Động Tiên Sơn nằm ở lưng chừng núi Mướn, thuộc làng cổ Đông Sơn. Hang động này được xem là mái nhà chung của cộng đồng người Việt cổ, bởi người ta tìm thấy trong đó có di cốt và những di vật chứng minh cho cuộc sống cách đây hàng nghìn năm. Đặt chân vào cửa động, ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp huyền bí của những phiến đá, tượng Phật, biểu tượng linh thiêng của văn hóa Á Đông. Đến với động Tiên Sơn như về với cội nguồn, lạc vào một thế giới thần tiên đầy ắp cả kho huyền thoại kỳ thú, in dấu trên từng phiến đá, nhũ đá lấp lánh hoa cương. Tại đây, ta sẽ được tận mắt chứng kiến những hình ảnh tuyệt đẹp, mà trời đất và thiên nhiên tạo hóa ban tặng cho con người xứ Thanh.
Chùa Phạm Thông hay còn gọi là chùa Đông Sơn, trước đây là nhà ở của hai vị danh y Quán Viên và Phạm Thông. Từ thời Trần, sau khi hai ông qua đời, ngôi chùa được nhân dân địa phương xây dựng lại thành nhà thờ. Người đời sau ngoài việc thờ hai ông, nhân dân còn đưa tượng Phật vào thờ. Chính vì thế từ một ngôi nhà, đến một nơi thờ, trở thành một nơi thờ Phật và thờ người có công trong việc chữa bệnh cứu người, nên nhân dân quen gọi là chùa. Chính điều đặc sắc này đã làm cho ngôi chùa có vị trí đặc biệt trong lòng mỗi người dân Đông Sơn nói riêng và giới phật tử nói chung.
Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ nằm trên khu vực đồi Cánh Tiên, được xây dựng trên diện tích 15 ha, với lối kiến trúc mang đậm nét tâm linh gồm nhiều hạng mục: Tháp chuông, đền thờ chính, nhà bia, hồ nước bán nguyệt, cổng chính và đền... Đây là điểm đến tham quan lịch sử rất có ý nghĩa đối với du khách trong nước và quốc tế, thắp nén tâm nhang để tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã cống hiến cho non sông đất nước, những người chồng, người con, các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng xương máu của mình. Đồng thời góp phần thiết thực trong việc giáo dục, khơi dậy truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Tọa lạc trên dãy núi Hàm Rồng với tổng diện tích 40.000m2, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng gồm nhiều hạng mục công trình: Tam quan (hai lớp trong và ngoài), tam bảo, nhà thờ tổ, lầu chuông, trống, nhà tăng, nhà giảng kinh, thiền đường, bến thuyền,... nằm yên ắng, thanh tịnh trên ngọn đồi cao, bên bờ sông Mã, bao bọc xung quanh bởi rừng thông xanh ngút ngàn trải dài trên sườn đồi thoai thoải. Đường lên thiền viện uốn lượn quanh co, càng lên cao, con người như càng đi sâu vào cõi thoát tục... Thiền viện Trúc Lâm không chỉ là nơi quy tụ phật tử thập phương, đào tạo tín đồ Phật giáo, mà còn là nơi sinh hoạt ngoại khóa của đông đảo tầng lớp nhân dân và du khách gần xa.
...Ngày nay, Hàm Rồng được quy hoạch thành khu du lịch văn hóa, trở thành một bảo tàng tự nhiên đồ sộ với tầm vóc và giá trị vô cùng to lớn. Mỗi ngọn núi, dòng sông, tấc đất... đều đã trở thành những hiện vật sống, ghi lại chiến công lừng lẫy, hiển hách của quân và dân Thanh Hóa trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến. Một Hàm Rồng kỳ tú, một Hàm Rồng anh hùng, một Hàm Rồng mãi là niềm tự hào, là biểu trưng khí phách của người xứ Thanh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/ham-rong-mot-vung-thang-tich/117661.htm