Hàm Tân: Tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ khởi nghiệp
Với mục tiêu khơi dậy tinh thần, phát huy thế mạnh, sở trường của hội viên, phụ nữ, từ năm 2018 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hàm Tân đã tích cực hỗ trợ hội viên khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi góp phần tăng thu nhập.
Sau khi Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 939), được UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai và Hội LHPN tỉnh phát động trong các cơ sở Hội, Hội LHPN huyện Hàm Tân nhanh chóng thực hiện các hoạt động truyền thông, hỗ trợ phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp.
Trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ
Bà Trần Thị Đình Hương – Chủ tịch Hội LHPN Hàm Tân cho biết: Phát huy vai trò là cơ quan thường trực của đề án, Hội chủ động tham mưu với UBND huyện triển khai hoạt động liên quan. Theo đó, trong 4 năm (từ 2018 - 2022), đã phối hợp tổ chức 284 buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vai trò của phụ nữ đối với phát triển kinh tế, thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp. Song song đó, mở 10 lớp đào tạo nghề theo nhu cầu và giới thiệu việc làm, nêu gương những điển hình tiêu biểu trong khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh giỏi. Hằng năm Hội cử 5 - 7 chị tham gia các lớp tập huấn do tỉnh tổ chức. Thông qua phong trào thi đua “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, bằng các hình thức như xây dựng tổ nuôi heo đất, tổ tiết kiệm tình thương, tổ tiết kiệm xoay vòng… Hội đã hỗ trợ 465 chị vay, lãi suất thấp hoặc không tính lãi với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Mô hình này mặc dù số tiền không nhiều, chỉ từ 5 – 15 triệu đồng, nhưng được nhiều chị em tham gia và giải quyết nhu cầu vốn trước mắt để trang trải mua bán nhỏ, chăn nuôi sản xuất, đóng học phí cho con, mua sắm vật dụng gia đình. Cùng với đó, Hội đã khai thác, quản lý tốt nguồn vốn vay từ nguồn ủy thác của các ngân hàng, nguồn vốn Tdhome Đức. Đến nay có hơn 4.300 chị vay phát triển kinh tế, trong đó đã hỗ trợ cho 82 chị khởi nghiệp.
Giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp
Kết quả sau 4 năm, nhiều ý tưởng của chị em đã được thành hiện thực và đứng vững trên thị trường. Có thể kể đến tranh giấy xoắn thủ công của chị Lê Thị Ánh Nguyệt (Tân Xuân), nuôi chim cút theo công nghệ sinh học của chị Phạm Thị Thùy (Tân Đức), may ba lô, túi xách của chị Võ Thị Ngọc Thành (Tân Đức), cấy ghép, lai tạo giống cây trồng của chị Lê Thị Diễm (Tân Hà), kinh doanh mít sấy của chị Nguyễn Thị Tâm (Thắng Hải)… Ngoài ra, thông qua tổ chức Hội đã kết nối giới thiệu và quảng bá sản phẩm nấm linh chi của cơ sở nấm Bình Phú - Tân Nghĩa đến hệ thống siêu thị Co.opmart, sản phẩm gạch không nung của Công ty TNHH gạch ngói Phước Thịnh đến với người dân và các công ty. Phối hợp với hội nông dân, Hiệp hội trang trại doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam quảng bá nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải có truy xuất nguồn gốc.
Tham quan gian hàng phụ nữ khởi nghiệp
Bà Trần Thị Đình Hương cho biết thêm: Thời gian tới, Hội LHPN Hàm Tân sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan của huyện thực hiện kế hoạch đề án đề ra trong giai đoạn 2022-2025. Trong đó tập trung tuyên truyền, vận động 100% cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp. Tạo điều kiện cho những ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để hiện thực hóa. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường ổn định và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị cho những mô hình có đủ điều kiện nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ…