Hàm Thuận Bắc tập trung nâng hạng sản phẩm OCOP

Huyện Hàm Thuận Bắc đang nỗ lực nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận, đồng thời hỗ trợ người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm chủ lực để đạt chuẩn OCOP, nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản của huyện. Qua đó, giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho người nông dân.

Hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình

Đến nay, huyện Hàm Thuận Bắc đã công nhận 24 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Hầu hết các sản phẩm OCOP là những nông sản chủ lực và có lợi thế của địa phương. Nổi bật là sản phẩm trái thanh long ruột trắng của Hợp tác xã Thuận Tiến và Hợp tác xã Thanh long Hòa Lệ, được chứng nhận 4 sao. Các sản phẩm được chứng nhận 3 sao như rau húng, rau ngò của Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh rau VietGAP Phú Long, nước cốt thanh long trắng của Hợp tác xã Thanh long Hòa Lệ, và sầu riêng cấp đông không hạt của Công ty TNHH Dịp A Hùng ở xã Đa Mi…

Rượu vang thanh long của Hợp tác xã thanh long Hàm Đức.

Rượu vang thanh long của Hợp tác xã thanh long Hàm Đức.

Sau khi có sản phẩm được công nhận OCOP, các cơ sở đều nhận thấy lợi ích và ý nghĩa khi tham gia chương trình. Các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP cho biết, tham gia chương trình giúp họ hoàn thiện sản phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc chuẩn hóa mẫu mã và nhãn mác sản phẩm. Điều này giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận hơn với khách hàng. Đơn cử như sản phẩm sầu riêng cấp đông không hạt của Công ty TNHH Dịp A Hùng ở xã Đa Mi được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2020. Đại diện công ty cho biết, sau khi sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP, công ty đã được tạo điều kiện tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hàm Thuận Bắc đã tập trung đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP lần đầu, cũng như đánh giá lại các sản phẩm OCOP sau khi hết thời hạn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức cho các chủ thể sản xuất và cán bộ quản lý chương trình OCOP cấp huyện, xã tham gia các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và trình độ quản lý. Huyện cũng xây dựng kế hoạch và kinh phí hỗ trợ cho các chủ thể, thuê tư vấn có chuyên môn phát triển sản phẩm OCOP mới, và rà soát các sản phẩm tiềm năng 4 sao để hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng 4 sao OCOP cấp tỉnh. UBND các xã, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa và các chính sách hỗ trợ của chương trình OCOP, phân công cán bộ và công chức phụ trách triển khai chương trình OCOP tại địa phương. Huyện đã công nhận 2 sản phẩm OCOP 3 sao đợt 1 năm 2024 là rượu vang thanh long trắng và rượu vang thanh long đỏ của Hợp tác xã Thanh long Hàm Đức.

Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Theo UBND huyện Hàm Thuận Bắc, năm 2024, địa phương phấn đấu có thêm ít nhất 6 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, đồng thời nâng hạng các sản phẩm OCOP tiềm năng và đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã hết hiệu lực công nhận. Huyện cũng phối hợp và tổ chức cho các chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP, hướng đến xuất khẩu. Huyện tăng cường tuyên truyền và hỗ trợ các tổ chức kinh tế tích cực tham gia chương trình OCOP, thực hiện đồng bộ các giải pháp và huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình OCOP.

Chương trình OCOP đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện. Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện chương trình OCOP, tập trung vào việc rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia chương trình, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Đối với các địa phương có sản phẩm được công nhận OCOP đã hết thời hạn, huyện sẽ tiếp tục vận động và tuyên truyền các chủ thể sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, và thiết lập hồ sơ công nhận lại. Huyện cũng sẽ định hướng cho các chủ thể phát triển sản phẩm gắn với nghề và làng nghề truyền thống, các sản phẩm tiềm năng mang tính đặc trưng của địa phương để tham gia chương trình OCOP.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-bac-tap-trung-nang-hang-san-pham-ocop-121560.html