Hàm Thuận Bắc thực hiện tốt các chính sách dân tộc

Toàn huyện Hàm Thuận Bắc có 14 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 15.964 người, chiếm 8,8% dân số, chủ yếu là đồng bào Chăm, K'ho, Raglay sinh sống ở 3 xã vùng cao Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ và 5 thôn xen ghép ở các xã, thị trấn. Đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và phụ thuộc vào tự nhiên.

Hàm Thuận Bắc thực hiện tốt các

Nhà văn hóa xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc.

Trong những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng huyện phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách dân tộc, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Có 95 công trình, dự án được đầu tư xây dựng ở các xã vùng cao và 5 thôn xen ghép, với tổng kinh phí 15,66 tỷ đồng và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 529 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với kinh phí 3,74 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho 3.614 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên 1,3 tỷ đồng. Nhờ có các công trình thủy lợi, tuyến kênh tiếp nước 812 - Châu Tá - Sông Quao, các hộ đồng bào dân tộc đã chuyển đổi sang canh tác lúa nước, trồng thanh long, bắp lai và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Hàng năm 3 xã thuần dân tộc thiểu số đã canh tác 3.534 ha cây trồng và 5 thôn xen ghép sản xuất 2.675 ha cây trồng, với năng suất, sản lượng ngày càng tăng. Có một số hộ vươn lên làm ăn khá giả, được công nhận gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, như: Hộ ông Thông Sông, xã Đông Tiến; hộ bà Thông Thị Hoàng, xã Hàm Phú. Từ năm 2014 đến nay, các ngành chức năng huyện đã phối hợp với UBND các xã tổ chức 60 lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo, hội nghị đầu bờ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và đưa đi tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất ở một số nơi. Huyện đã đầu tư khai hoang cấp thêm 83,3 ha đất sản xuất cho 145 hộ đồng bào dân tộc ở xã Đông Giang, La Dạ, nâng tổng diện tích gieo trồng vùng đồng bào dân tộc lên 6.537,3 ha. Các đơn vị chủ rừng đã tiến hành giao khoán 42.997,27 ha rừng tự nhiên cho 1.185 hộ đồng bào dân tộc bảo vệ, tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập gia đình. Các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ kịp thời cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã vùng cao.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường lớp, nhà văn hóa tại các xã vùng cao được đầu tư xây mới, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho học sinh. Chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng lên và huy động trẻ em trong độ tuổi đến lớp hàng năm đạt 100%. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100% và có khoảng 57% học sinh tiếp tục học trung học phổ thông. Các chế độ, chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ kịp thời, với kinh phí hỗ trợ mỗi năm khoảng 2,9 tỷ đồng. Mạng lưới y tế cơ sở được mở rộng đến cộng đồng dân cư; riêng 3 xã vùng cao có 1 phòng khám đa khoa và 2 trạm y tế, có xe cấp cứu, các trang thiết bị cần thiết để khám điều trị bệnh cho đồng bào. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở các xã vùng đồng bào dân tộc ngày càng giảm, chỉ còn dưới 12,4% và số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,9%. Các xã đã phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nên đã có 94% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa và có một số thôn văn hóa giữ chuẩn danh hiệu trong nhiều năm, như: Thôn 1, xã Đông Tiến; thôn 2, xã Đông Giang; thôn 3, thị trấn Ma Lâm; thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí. Các tổ chức, cá nhân đã đóng góp hỗ trợ xây dựng 36 căn nhà tình thương cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy đời sống đồng bào dân tộc từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn miền núi, vùng cao đã có khởi sắc rõ rệt và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được giữ vững.

Khánh Huyền

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/ham-thuan-bac-thuc-hien-tot-cac-chinh-sach-dan-toc-127061.html