Hàm Thuận Nam: Quan tâm hơn đối tượng Trợ giúp pháp lý

'Hàm Thuận Nam có 2 xã đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng không có đối tượng nào được Trợ giúp pháp lý (TGPL) trong các vụ án dân sự, hành chính, cần phải quan tâm, xét lại', Đoàn công tác Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL tỉnh nhắc nhở huyện Hàm Thuận Nam khi kiểm tra thực hiện công tác phối hợp liên ngành về TGPL.

Ông Đặng Văn Đào, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phát biểu kết luận.

Ông Đặng Văn Đào, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phát biểu kết luận.

Đoàn công tác Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh do ông Đặng Văn Đào, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp dẫn đầu vừa có buổi làm việc tại huyện Hàm Thuận Nam để kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2024.

Tại huyện, đoàn đã đến Viện kiểm sát, Tòa án, Công an huyện bao gồm Nhà tạm giữ (các cơ quan tố tụng) kiểm tra trực tiếp các nội dung theo kế hoạch. Trong đó, có kiểm tra việc thực hiện phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các văn bản, quy định pháp luật có liên quan TGPL đến các bộ phận tiếp công dân, các điều tra viên. Việc niêm yết bảng thông tin trong buồng tạm giam, tạm giữ. Giải thích cho người đang bị tạm giữ, bị can và các đương sự khác biết về quyền được TGPL. Phân công người theo dõi, tổng hợp, vào sổ theo dõi các vụ việc… Sàng lọc, phát hiện sớm người trong diện được TGPL từ lúc điều tra, truy tố đến xét xử để giới thiệu cho Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác của trung tâm đi bào chữa.

Kiểm tra việc tuyên truyền TGPL đến người dân ở Viện kiểm Sát nhân dân huyện.

Kiểm tra việc tuyên truyền TGPL đến người dân ở Viện kiểm Sát nhân dân huyện.

Qua kiểm tra đoàn nhận thấy, phần lớn các nội dung, các cơ quan tố tụng huyện thực hiện tốt. Song vẫn có một số nội dung chưa đạt như, việc vào sổ sách các vụ việc chưa đúng theo quy định. Cụ thể, sổ ghi chép các vụ việc còn nhầm lẫn chưa tách riêng từng đối tượng được TGPL theo Điều 7 của Luật TGPL.

Ngoài ra, án hình sự có phát hiện đối tượng được TGPL miễn phí, nhưng án dân sự, án hành chính không có vụ nào. Điều này chưa thuyết phục vì đối tượng được TGPL theo Luật TGPL có 14 nhóm đối tượng. Trong khi huyện có 2 xã nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, chưa kể người yếu thế ở xã khác.

Tiếp thu đánh giá của đoàn, lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam yêu cầu các cơ quan tố tụng thời gian tới lưu ý đến công tác này. Đặc biệt khi phát hiện sớm đối tượng thuộc diện được TGPL thì hướng dẫn cho họ biết quyền lợi của mình thay vì đi thuê luật sư tốn kém. Có như vậy mới góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho người yếu thế trên địa bàn huyện

Kiểm tra sổ theo dõi.

Kiểm tra sổ theo dõi.

Kiểm tra việc niêm yết bảng thông tin về trợ giúp pháp lý.

Kiểm tra việc niêm yết bảng thông tin về trợ giúp pháp lý.

Ông Đặng Văn Đào ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác phối hợp liên ngành về TGPL của các cơ quan tố tụng Hàm Thuận Nam. Đồng thời đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm nhiều hơn nữa công tác này bằng việc thường xuyên chỉ đạo các cơ quan tố tụng phổ biến tuyên truyền, các văn bản liên quan TGPL cho các bộ phận tiếp công dân, các điều tra viên... Đặc biệt Thông tư liên tịch số 10 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng.

Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm, vai trò của mình trong việc đưa TGPL - chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước đến với người trong diện được TGPL nhiều hơn để giảm bớt gánh nặng vật chất, tinh thần cho gia đình họ. Quá trình thực hiện công tác phải sàng lọc kỹ trong số vụ việc, tìm ra đối tượng được TGPL ngay từ bước điều tra đầu tiên là công an, sau đó Viện Kiểm sát, rồi Tòa án để không bỏ lọt đối tượng..., ông Đặng Văn Đào nêu thêm.

NINH CHINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-quan-tam-hon-doi-tuong-tro-giup-phap-ly-122983.html