Uy lực của bom hạt nhân hiện nay cả thế giới đều rõ ràng. Cuối thời kỳ Thế chiến II, Mỹ đã thả hai quả bom nguyên tử vào Nhật Bản. Mặc dù vụ nổ bom hạt nhân là 'ác mộng' của thế giới, nhưng không phải là không có biện pháp trú ngụ an toàn. Và nhiều quốc gia đã cho xây dựng hầm trú ẩn tuyệt mật, phòng bị trong trường hợp nếu như xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Hầm trú ẩn bom hạt nhân ở Nhật Bản: Căn "hầm trú ẩn hạt nhân" này đã được nghiên cứu và thi công trong vòng 6 tháng. Trần nhà và các lớp tường của căn hầm được làm kiên cố từ bê tông cốt thép dày 19 “inch”. Điều này giúp cho căn hầm có khả năng chịu được các loại bom cùng hạng với "Little Boy", loại bom mà thành phố Hiroshima từng phải hứng chịu năm 1945.
Hầm trú ẩn hạt nhân sức chứa 2.700 người tại Nga: Hầm trú ẩn hạt nhân của Nga nằm ở độ sâu gần 200m dưới mặt đất với các bức tường thép dày hơn 0,6m, hầm trú ẩn hạt nhân số 1 được cho là nơi "bất khả xâm phạm" nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân trở thành hiện thực. Nếu xuống hầm, mỗi người dân có khẩu phần 3 bữa ăn và 3 lít nước mỗi ngày. Hầm cũng gắn máy điều hòa, 75 nhà vệ sinh và một nhà tắm rộng, đủ cho 200 người tắm cùng lúc.
Căn hầm trú ẩn chiến tranh hạt nhân Mỹ: Được xây dựng năm 1967, căn hầm trú bom này có khả năng đứng vững trước một cuộc chiến tranh hạt nhân. Căn hầm đã được xây dựng làm nơi lưu trú cho năm người. Tuy cách biệt với thế giới bên ngoài nhưng họ vẫn giữ các đường dây liên lạc phòng khi xảy ra chiến tranh hạt nhân. Tường chắn phía trước của căn hầm dày 1 m, mái nhà dày hơn 0,5 m và sàn bê tông dày hơn 0,6 m, căn hầm có một máy phát điện 200 kW và một hệ thống thông gió tùy chỉnh có bộ lọc bức xạ.
Hầm trú ẩn hạt nhân ở Anh: Công trình ngầm này được chính quyền Anh cho xây dựng vào năm 1961 để chuẩn bị cho kịch bản "ngày tận thế" trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những cánh cửa của hầm có khả năng chống nổ. Có khoảng 20 giường ngủ trong hai ký túc xá của hầm trú ẩn bí mật. Nơi đây đóng vai trò như "đầu não" của hầm trong trường hợp một cuộc tấn công (hạt nhân) có thể xảy ra.
"Hầm trú hạt nhân" kiên cố của người Triều Tiên: Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân, ga tàu điện ngầm Bình Nhưỡng, ga tàu sâu nhất thế giới, có thể coi là hầm trú an toàn cho người dân Triều Tiên. Triều Tiên sở hữu hệ thống ga tàu điện ngầm nằm dưới lòng đất ở độ sâu hơn 100m. Đây cũng là một trong những nhà ga nằm ở độ sâu lớn nhất thế giới hiện nay. Ga tàu này được xây dựng bắt đầu từ năm 1968 và khánh thành năm 1973.
Hầm trú ẩn hạt nhân của Thụy Sĩ: Thụy Sĩ là quốc gia duy nhất trên thế giới có hệ thống hầm trú ẩn có khả năng chống bom hạt nhân được trang bị cho toàn bộ dân cư nước này. Hệ thống hầm trú ẩn này được trang bị những chiếc cửa bọc thép dày tới 20cm và hệ thống thông hơi có khả năng lọc chống khí gas, đây là những ngôi nhà tạm thời của người dân trong trường hợp khẩn cấp, chiến tranh thông thường hay chiến tranh hạt nhân. Mỗi căn hộ tại Thụy Sĩ khi được cho thuê hay được bán đều đi kèm với những căn hầm như vậy.
Hầm trú ẩn hạt nhân tối mật của Trung Quốc: Hầm trú ẩn hạt nhân nằm sâu 2km dưới lòng công viên Rừng Quốc gia Tây Sơn, cách Bắc Kinh 20km về phía Tây Bắc được xây dựng vào những năm 1960. Đây là nơi sơ tán an toàn cho các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Hầm trú ẩn hạt nhân là hệ thống đường ngầm và hang động với kích cỡ một thành phố nhỏ, có nguồn cung cấp nước sạch ổn định cho 1 triệu người trong tình huống phải sơ tán khẩn cấp do có chiến tranh hạt nhân.