Hàm Yên tập trung khắc phục cam sành rụng

Năm nay, do thời tiết diễn biến phức tạp, trên 1.800 tấn cam sành của Hàm Yên cuối vụ bị rụng. Hiện các ngành chức năng của huyện đang thực hiện các giải pháp khắc phục nhằm giúp người trồng cam ổn định sản xuất.

Niên vụ 2019-2020, toàn huyện có gần 6.100 ha cam sành, trong đó 4.900 ha cho thu hoạch trên, năng suất bình quân ước đạt 170 tạ/ha. Đến thời điểm này, tổng sản lượng ước đạt trên 80.000 tấn quả. Cam sành đang bước vào thời điểm cuối vụ, toàn huyện hiện còn gần 11.200 tấn quả chưa thu hoạch.

Đến ngày 14-2, huyện bị thiệt hại trên 1.813 tấn cam sành, tỷ lệ bị rụng chiếm 2,2% so với tổng sản lượng. Các xã Phù Lưu, Yên Thuận, Yên Lâm, Yên Phú, Bạch Xa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Với mức giá bình quân thu mua tại vườn thời điểm hiện tại là 6.000 đồng/kg thì những người trồng cam trên địa bàn huyện đã thiệt hại gần 11 tỷ đồng.

Cam sành bị rụng tại vườn ở xã Phù Lưu (Hàm Yên).

Cam sành bị rụng tại vườn ở xã Phù Lưu (Hàm Yên).

Lý giải nguyên nhân của hiện tượng cam rụng hàng loạt, ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, cam sành thường chín tập trung vào tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau. Năm nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến cho thị trường tiêu thụ sản phẩm cam sành cuối vụ gặp nhiều khó khăn nên nhiều hộ trồng cam chưa thể thu hoạch để tiêu thụ. Đặc biệt, do thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là đợt mưa kéo dài từ ngày 28-1 đến 11-2, kèm theo sương muối, thay đổi thời tiết đột ngột làm cho cam bị sốc nước, qua kiểm tra nhiều quả trên cây bị rạn vỏ, nấm mốc xuất hiện gây thối dẫn đến rụng quả.

Để tránh những thiệt hại đáng tiếc tương tự cho mùa vụ sau, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn huyện Hàm Yên đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp khắc phục. Ông Đỗ Hữu Ước, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, ngay trong tháng này, xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết, mời các chủ trang trại, hộ trồng cam trên địa bàn xã để bàn các giải pháp chăm sóc, thu hoạch và định hướng thị trường tiêu thụ đảm bảo cho niên vụ sau.

Huyện Hàm Yên đang có nhiều giải pháp giúp người trồng cam khắc phục tình trạng cam rụng.

Huyện Hàm Yên đang có nhiều giải pháp giúp người trồng cam khắc phục tình trạng cam rụng.

Cũng theo ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải pháp cấp bách lúc này là huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con thu hoạch cam cuối vụ đúng quy trình, tích cực tìm kiếm thêm các đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ cam cuối vụ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại kinh tế cho bà con. Về lâu dài, huyện chú trọng thực hiện các giải pháp quy hoạch đất đai, giống cây, quy trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, xây dựng các mô hình trang trại hoạt động hiệu quả, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cam, tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, làm tốt công tác quản lý nâng cao giá trị thương hiệu cam sành Hàm Yên, đồng thời chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ cam để nâng cao giá trị sản phẩm.

Năm 2019, cam sành Hàm Yên tiếp tục được bình chọn là thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu là hết sức cần thiết, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, những người trồng cam thì cũng rất cần sự chung tay của cả cộng đồng để giữ gìn và phát triển thương hiệu cam sành Hàm Yên.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/ham-yen-tap-trung-khac-phuc-cam-sanh-rung-128752.html