Hamas kêu gọi đối thoại dân tộc Palestine để bảo đảm tổ chức bầu cử tin cậy, an toàn
Lãnh đạo phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza, ông Ismail Haniyeh thông báo Hamas đã chuyển đến ông Hanna Nasser, Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Palestine (CEC), phản hồi tích cực về lộ trình bầu cử của Palestine.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp với lãnh đạo của CEC ngày 27/11, ông Ismail Haniyeh khẳng định kết quả của cuộc bầu cử sẽ được Hamas và các phe phái khác của Palestine tôn trọng.
Nhà lãnh đạo Hamas kêu gọi tiến hành một cuộc họp dân tộc để đối thoại về tất cả các vấn đề liên quan đến bầu cử nhằm bảo đảm sự tin cậy và các biện pháp an toàn, chủ yếu là các vấn đề tự do dân sự. Ngoài ra, ông Ismail Haniyeh cũng nhấn mạnh sự cần thiết tổ chức bầu cử tại Jerusalem, Dải Gaza và Bờ Tây.
Liên quan đến cuộc bầu cử, ngày 11/11, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki khẳng định các cuộc bầu cử tại các vùng lãnh thổ Palestine sẽ không được tiến hành nếu không được bỏ phiếu tại Đông Jerusalem.
Theo ông Maliki, Palestine dự kiến tổ chức bầu cử vào tháng 2/2020 và các phe phái tại Palestine đã nhất trí tổ chức bầu cử cơ quan lập pháp trước, tiếp đến bầu cử Tổng thống trong vòng 3 tháng sau đó.
Sau khi lãnh đạo Hamas tuyên bố nội dung trên, Chủ tịch CEC Hanna Nasser nêu rõ: "Hamas đã đồng ý tham gia các cuộc bầu cử, đây có thể là bước đầu tiên để chấm dứt chia rẽ giữa các phe cánh chính trị của người Palestine và chúng tôi hy vọng sẽ tổ chức được các cuộc bầu cử công bằng như đã tổ chức năm 2006".
Cuộc bầu cử cơ quan lập pháp gần đây nhất của Palestine được tổ chức vào tháng 1/2006, với kết quả Hamas giành đa số ghế. Trước đó, trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 1/2005, ông Abbas được bầu làm Tổng thống Chính quyền Palestine. Tuy nhiên, chiến thắng của Hamas trong cuộc bầu cử lập pháp Palestine không có hiệu lực kể từ khi xảy ra chia rẽ nội bộ năm 2007.
Trong cuộc bầu cử của Palestine năm 2006, Israel đã cho phép tổ chức bỏ phiếu tại Đông Jerusalem do áp lực từ Mỹ. Tuy nhiên, lập trường của Washington hiện nay đã thay đổi sau khi Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ tới thành phố này.