Theo tờ Bulgarian Military, một video đã gây ấn tượng mạnh với giới quân sự quốc tế; nếu như hơn hai năm trước, cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas kéo dài vài ngày và chỉ tập trung vào việc sử dụng và đánh chặn rocket thì hiện nay, ngoài đạn rocket, Hamas còn sử dụng UAV tự sát.
Đoạn video cho thấy cảnh chiến binh Hamas phóng một số UAV cảm tử Ababil-2 tấn công Quân đội Israel. Nguồn video là của trang web tình báo quân sự SavunmaSanayiST của Thổ Nhĩ Kỳ; đáng chú ý là có chú thích phía trên video: “Hamas tấn công Israel bằng UAV tự sát Ababil-2 của Iran”.
Với những cải tiến trong hệ thống điều khiển bay, UAV tự sát Ababil-2 thể hiện những tiến bộ đáng kể trong ngành hàng không hiện đại. Theo Tạp chí quốc phòng Jane's của Anh, mẫu UAV tự sát cải tiến này, bắt đầu chuyến bay đầu tiên vào năm 1997.
Tuy nhiên, Galen Wright khẳng định rằng, UAV Ababil-2 đã được đưa vào sản xuất 5 năm trước đó, vào năm 1992. Điều thú vị là, bất kể quan điểm khác nhau, cả hai nguồn tin đều đồng tình rằng, Ababil- 2 chính thức ra mắt công chúng vào năm 1999. Điều đáng chú ý là Ababil-2 còn được một số nguồn gọi là Ababil-II.
UAV Ababil-2 được chế tạo với thân máy bay hình trụ, cánh đuôi thẳng đứng và động cơ đẩy lắp phía sau, thiết kế của UAV Ababil-2 mang tính khí động học ấn tượng. Lực đẩy của UAV Ababil-2 được cung cấp bởi một cánh quạt đẩy hai cánh, có cấu tạo đơn giản.
Thiết kế về cánh nâng của UAV Ababil-2 có cảm giác “nhẹ đầu, nặng đuôi”, khi bố trí hai cánh nâng chính phía sau và một cánh đuôi đứng; phía trước có hai cánh nâng nhỏ, kiêm cánh lái. Tuy nhiên thiết kế này làm tăng thêm thuộc tính về độ ổn định và khả năng cơ động của UAV.
Cũng cần lưu ý rằng, tất cả các biến thể UAV Ababil-2 đều có tầm hoạt động vượt quá 100 km và thân và cánh được chế tạo hoàn toàn bằng kim loại; ngoại trừ phiên bản Ababil-T sử dụng sợi thủy tinh tổng hợp.
UAV Ababil-2 có thể cất cánh bằng sử dụng động cơ tên lửa đẩy phụ (JATO) hoặc từ xe tải Mercedes Benz 911 được trang bị bệ phóng khí nén. Điều ấn tượng là hệ thống phóng UAV Ababil-2 được thiết kế theo kiểu mô-đun, để được lắp ráp hoặc tháo rời, thuận lợi cho việc di chuyển.
Khi Ababil-2 cần hạ cánh, một chiếc dù có thể được sử dụng để đạt được tốc độ hạ cánh nhẹ nhàng là 4 m/s, trong khi đường trượt là một lựa chọn thay thế cho việc hạ cánh tiêu chuẩn trên đường băng hoặc sân bay. Thỉnh thoảng người ta cũng có thể quan sát UAV Ababil-2 hạ cánh bằng bánh xe.
Năm 2002, lực lượng du kích Hezbollah của Liban đã được trang bị UAV Ababil-2 (biến thể đuôi kép dùng cho nhiệm vụ trinh sát) với tên gọi Mirsad-1. Theo thông tin do Israel công bố, trước khi bắt đầu Chiến tranh Lebanon năm 2006, Hezbollah đã sở hữu tối thiểu 12 chiếc Ababils và đã có 3 chiếc Ababil-2 được sử dụng trong cuộc giao tranh.
Lực lượng không quân Israel đã bắn hạ chiếc UAV Ababils đầu tiên vào ngày 7/8/2006 bằng máy bay chiến đấu F-16 ở ngoài khơi bờ biển Bắc Israel. Chiếc Ababil thứ hai chịu số phận đáng tiếc, khi nó bị rơi bên trong lãnh thổ Lebanon vào ngày 13/8/2006.
Chiếc UAV Ababil thứ ba tiếp tục bị máy bay chiến đấu F-16 của Israel bắn hạ ngay bên trong biên giới phía bắc của Israel, chỉ vài giờ sau khi được lực lượng vũ trang Hezbollah phóng lên.
Tính đến năm 2009, người ta suy đoán rằng, lực lượng Hezbollah đã có sẵn một kho lưu trữ UAV Ababil, với số lượng từ 12 đến 30 chiếc. Đến năm 2018, Hezbollah thông báo UAV Mirsad-1 chính thức ngừng hoạt động.
UAV Ababil-2 không chỉ có ở chiến trường Liban, vào ngày 16/3/2009, một sự kiện đã xảy ra, khi một chiếc F-16 của Không quân Mỹ, hoạt động ở Iraq, đã bắn hạ một UAV Ababil 3 của Iran. UAV của Iran đã xâm phạm không phận Iraq trong khoảng thời gian đáng kể khoảng 70 phút.
Sau khi bị đánh chặn, phần còn lại của UAV Ababil-2 được tìm thấy cách đó khoảng 100km về hướng đông bắc của thủ đô Baghdad. Địa điểm xảy ra vụ tai nạn nằm cách biên giới chính thức của Iraq khoảng 22 km, gần thị trấn Balad Ruz thuộc tỉnh Diyala.
Các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng và Nội vụ Iraq đưa ra giả thuyết rằng, UAV Ababil-2 của Iran có thể đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát để xác định các tuyến đường buôn lậu tiềm năng, nhằm giảm bớt việc vận chuyển vũ khí của Iran vào nước này.
Tuy nhiên tờ New York Times của Mỹ đưa ra một suy đoán khác, cho rằng UAV có thể được giao nhiệm vụ giám sát các các tổ chức bất đồng chính kiến của Iran, được thành lập ở Iraq. Một minh họa cho địa điểm như vậy là Trại Ashraf, được tìm thấy gần địa điểm UAV Ababil-2 rơi.
Trung tá Abdul Aziz Mohammed Jassim, sĩ quan giám sát các hoạt động quân sự trong Bộ Quốc phòng Iraq cho biết, UAV Ababil-2 của Iran đã xâm nhập 10 km vào không phận Iraq. Tuy nhiên các nhà quan sát thì cho rằng, hành vi vi phạm như vậy có thể là một sai lầm vô ý.
Theo các nhà phân tích, loại UAV Ababil-2 trên thực tế đã lạc hậu và được sử dụng trong nhiều lực lượng vũ trang trong khu vực; do vậy, việc lực lượng vũ trang Hamas Palestine sở hữu loại UAV này, chưa hẳn đã do Iran cung cấp trực tiếp, mà có thể là do nguồn cung từ bên thứ ba, ví dụ như lực lượng Hezbollah của Liban, khi họ không còn sử dụng loại UAV này.
Hamas tấn công Israel bằng UAV tự sát Ababil-2 của Iran. Nguồn X
Tiến Minh (theo Bulgarian Military)