Hamas và Fatah ký thỏa thuận hòa giải tại Bắc Kinh
Đại diện hai phong trào Hamas và Fatah của người Palestine đã kí kết thỏa thuận hòa giải ở Bắc Kinh, mở đường thành lập một chính phủ thống nhất.
Sau cuộc gặp gỡ mang tính lịch sử ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), 14 nhóm chính trị của người Palestine, bao gồm hai phong trào đối ngược nhau là Hamas và Fatah, đã kí kết một thỏa thuận "đoàn kết dân tộc" nhằm thiết lập một chính quyền thống nhất của người Palestine, CNN đưa tin.
"Hôm nay chúng tôi ký thỏa thuận về đoàn kết dân tộc và khẳng định con đường để hoàn tất hành trình này chính là đoàn kết dân tộc. Chúng tôi cam kết đoàn kết dân tộc và kêu gọi các bên khác cũng làm như vậy", Mussa Abu Marzuk, quan chức cấp cao của Hamas, tuyên bố.
Trước khi chiến sự Israel-Hamas nổ ra từ tháng 10/2023, Hamas kiểm soát Dải Gaza. Trong khi đó, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) – đại diện chính thức của người Palestine tại Liên hợp quốc, hiện do Fatah (Phong trào giải phóng dân tộc Palestine) đứng đầu và hiện diện chủ yếu ở Bờ Tây.
Fatah từng kiểm soát cả Bờ Tây và Dải Gaza trong quá khứ, nhưng rút khỏi Dải Gaza từ năm 2007 khi phong trào Hamas chiến thắng cuộc bầu cử lập pháp ở Dải Gaza nhờ chính sách cứng rắn với Israel. Kể từ đó, Hamas và Fatah đối đầu gay gắt.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cùng ngày khẳng định, thỏa thuận ở Bắc Kinh có nội dung tập trung "hòa giải và thống nhất của tất cả 14 phe phái" Palestine. Theo ông Vương Nghị, các bên cũng "đạt thỏa thuận về việc quản lý Dải Gaza hậu chiến sự và thiết lập chính phủ hòa giải dân tộc lâm thời".
Chưa rõ vai trò và vị thế chính trị cụ thể của các bên trong "chính phủ hòa giải dân tộc lâm thời" nói trên, cũng như thời điểm nó được thành lập. "Kết quả cốt lõi (của thỏa thuận) là PLO vẫn giữ vai trò đại diện hợp pháp duy nhất của người Palestine", ông Vương Nghị nhấn mạnh.
Thỏa thuận ở Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong nỗ lực tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Kể từ khi chiến sự Dải Gaza nổ ra, hơn 39.000 dân thường đã thiệt mạng. Chiến sự kéo dài cũng đẩy Dải Gaza vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.
Cùng ngày, Israel tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến ở Dải Gaza cho đến khi Hamas hoàn toàn bị loại bỏ. Phía Israel cũng bác bỏ khả năng Hamas tham gia quản lý Dải Gaza sau khi chiến sự kết thúc.