Hạn chế cháy nổ: Phòng là chính
Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhấn mạnh: phòng ngừa là chính. Bởi khi xảy ra cháy nổ, việc cứu chữa và khắc phục thiệt hại rất khó khăn. Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, nhất là tại các chợ truyền thống, tăng cường đầu tư, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân đang được xem là giải pháp quan trọng.
NỖI LO CHÁY CHỢ TRUYỀN THỐNG
Khuya 17-3-2022, tại chợ Thanh Lương, thị xã Bình Long xảy ra vụ cháy lớn, thiêu rụi 68 ki-ốt của 35 hộ tiểu thương; tổng diện tích cháy khoảng 400m2. Khuya 12-11-2019, một vụ cháy lớn xảy ra tại chợ Phước Long, ngọn lửa thiêu rụi hoàn toàn 40 ki-ốt, sạp hàng của các tiểu thương. Trước đó, tối 14-9-2019, 20 ki- ốt của tiểu thương chợ Bình Long cũng bị cháy rụi sau khi “bà hỏa” viếng thăm…
Chợ Thanh Lương sau vụ cháy khuya 17-3-2022 - Ảnh: Phú Quý
Theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 45 vụ cháy, làm chết 1 người, bị thương 2 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 112,6 tỷ đồng. Trong đó, đã xảy ra 3 vụ cháy chợ, không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản khoảng 3,1 tỷ đồng. Sau nhiều vụ cháy chợ, ý thức của hộ tiểu thương đã được nâng lên nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong đảm bảo an toàn PCCC.
Chưa có trụ nước để chữa cháy trực tiếp. Bể chứa nước sạch nằm xa quá. Khi xảy ra cháy, ban quản lý chợ cùng lực lượng công an, xã đội, tiểu thương và nhân dân ra để chữa cháy nhưng bình cứu hỏa không “xi nhê” gì. Đến khi xe cứu hỏa lên mới dập tắt được, nếu không là đã cháy lan ra cả 2 bên.
Ông Phạm Văn Quyết, Trưởng ban quản lý chợ Thanh Lương, thị xã Bình Long
Theo nhận định của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, nhiều vụ cháy chợ truyền thống thời gian qua là do yêu cầu đảm bảo an toàn về PCCC chưa được thực hiện. Cụ thể như đường giao thông cho phương tiện chữa cháy, nguồn nước, lối thoát hiểm, trang bị phương tiện chữa cháy… chưa đảm bảo. Ngoài ý thức chấp hành quy định pháp luật về PCCC&CNCH của một bộ phận người dân chưa cao, khó khăn hơn nữa là việc quy hoạch, xây dựng lại các chợ để đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC cần nguồn kinh phí lớn, nhưng ngân sách ở các địa phương còn hạn chế.
Trở lại câu chuyện cháy chợ Thanh Lương, Thiếu tá Trần Ngọc Phong, Trưởng công an xã Thanh Lương, thị xã Bình Long thừa nhận: “Khó khăn trong công tác phòng cháy ở đây là điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất. Những ki-ốt tại chợ đã có từ lâu, nếu đề nghị xây dựng lại để đảm bảo yêu cầu phòng cháy theo tiêu chuẩn thì rất khó, bởi các hộ tiểu thương đa phần khó khăn”.
Nguyên nhân xảy ra cháy chợ Thanh Lương vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân, thống kê thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho rằng, nếu chợ được trang bị đầy đủ phương tiện để đảm bảo công tác PCCC, khả năng đám cháy sẽ được dập tắt nhanh hơn, thiệt hại sẽ giảm bớt.
Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Liên, tiểu thương chợ Thanh Lương khẳng định: “Bình cứu hỏa thì có, còn các trụ nước tại chỗ không có. Nếu có trụ nước ở từng lô, sạp và có nước thì mình đã tiếp rồi. Khi xe cứu hỏa đến thì chỉ dập lửa được thôi chứ không cứu được gì hết”.
PHÒNG NGỪA LÀ CHÍNH
Thiệt hại do cháy, nổ bao giờ cũng khó lường, đặc biệt là ở các khu vực tập trung đông người, nhiều hàng hóa dễ bắt lửa như chợ truyền thống. Khi những bất cập, hạn chế của các chợ truyền thống chưa được khắc phục triệt để, thì việc tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa cần được chú ý hơn bao giờ hết.
Để hạn chế cháy nổ, công tác phòng ngừa đóng vai trò quan trọng. Trong ảnh: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh hướng dẫn kỹ năng và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại Công ty TNHH nội thất BoLin Bình Phước, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú - Ảnh: Trung Sinh
Là chợ trung tâm của tỉnh nên chợ Đồng Xoài rất được quan tâm đầu tư, nâng cấp cải tạo, gần nhất là năm 2021. Đến nay, chợ đã khang trang, thông thoáng hơn, cơ bản đáp ứng yêu cầu về PCCC khi được trang bị đầy đủ các trụ nước chữa cháy, bình chữa cháy. Đồng Xoài cũng là chợ duy nhất trong tỉnh được trang bị hệ thống báo cháy tự động… Ban quản lý chợ cũng chú trọng xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, tăng cường tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ. Chính vì vậy, dù là chợ truyền thống với 640 quầy sạp kinh doanh, lượng hàng hóa rất lớn nhưng từ khi tái lập tỉnh đến nay, chợ Đồng Xoài chưa từng xảy ra cháy, nổ.
Ông Giang Công Chung, Phó trưởng Ban quản lý chợ Đồng Xoài chia sẻ, một trong những kinh nghiệm của chợ chính là chú trọng các biện pháp phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ phát sinh cháy, nổ. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức tập huấn cho các lực lượng của đơn vị; tổ chức tổ tự quản gồm đội ngũ xe ôm, bà con tiểu thương, thường xuyên tập huấn để khi xảy ra sự cố mỗi người tự biết nhiệm vụ để xử lý kịp thời. Chú trọng tuyên truyền để bà con tiểu thương trang bị bình cứu hỏa, tự trang bị kiến thức PCCC; đồng thời tổ chức cho bà con tiểu thương ký cam kết PCCC. Chúng tôi cũng hợp đồng với ngành điện có đồng hồ tổng, bật, tắt điện ở các nhà lồng theo nhu cầu kinh doanh buôn bán của các tiểu thương”.
Kinh nghiệm từ chợ Đồng Xoài cũng đã khẳng định, công tác phòng ngừa được đề cao sẽ góp phần đảm bảo cho các chợ truyền thống được an toàn trước “giặc” lửa.
TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PCCC
Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC nhấn mạnh: Chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH, lấy phòng ngừa là chính. Triển khai thực hiện, Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 245-KH/TU ngày 17-9-2015 để triển khai thực hiện Chỉ thị 47 và Kế hoạch số 38-KH/TU ngày 26-8-2021 để triển khai thực hiện Kết luận số 02 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PCCC&CNCH; đưa việc chấp hành các quy định về PCCC là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng hằng năm, qua đó nâng cao nhận thức vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC&CNCH.
Người dân và tiểu thương phải thấy rõ việc thực hiện tốt PCCC là tự bảo vệ mình và tự giác thực hiện nghiêm các quy định, nội quy an toàn PCCC chợ; không hút thuốc lá và sử dụng lửa bừa bãi; không đốt vàng mã, tiền giấy trong khu vực chợ; chấp hành nghiêm quy định về an toàn điện; không lấn chiếm lối đi để bày bán hàng hóa hay cơi nới, che chắn làm cản trở lối đi, lối thoát hiểm và đường cơ động của xe chữa cháy… Đối với các hộ vừa ở vừa kết hợp kinh doanh phải bố trí tối thiểu 2 lối thoát hiểm theo 2 hướng khác nhau; trang bị bình chữa cháy xách tay, nước, chăn (mền)… để chữa cháy kịp thời.
Thượng tá Nguyễn Thọ Bài, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh khuyến cáo
Khẳng định công tác PCCC&CNCH đã được các cấp, ngành, địa phương và người dân ngày càng quan tâm, đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào thực hiện công tác PCCC&CNCH, tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Thọ Bài, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cho rằng, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ theo Chỉ thị số 47. “Ngoài tăng cường đầu tư, trang bị phương tiện, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định về an toàn PCCC, tăng cường tự kiểm tra về PCCC để phát hiện, khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót. Đối với người dân, cần nâng cao cảnh giác trước các nguy cơ cháy, nổ; chấp hành nghiêm các quy định về an toàn PCCC, tự trang bị cho bản thân, gia đình những kiến thức cơ bản về PCCC&CNCH để giảm bớt các nguy cơ cháy, nổ cũng như kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh” - Thượng tá Nguyễn Thọ Bài lưu ý.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/132093/han-che-chay-no-phong-la-chinh