Hạn chế ghi âm tại tòa là hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân

Người dân được quyền tiếp cận thông tin từ tòa án, các phiên tòa công khai thông qua hoạt động của cơ quan báo chí; quyền này bị ảnh hưởng nếu nhà báo bị hạn chế ghi âm tại tòa.

Hôm nay (28/5), tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Dự thảo trình Quốc hội có sáu nội dung được thiết kế theo hai phương án. Trong đó, quy định về việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lý do trình hai phương án là vì nội dung này còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.

Cụ thể, phương án 1 quy định: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của chủ tọa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ tọa.

Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Phương án 2 là không quy định những nội dung tại phương án 1, việc ghi âm, ghi hình tại tòa được thực hiện theo quy định của các luật tố tụng và pháp luật có liên quan hiện nay.

Người dân có quyền tiếp cận thông tin qua báo chí

Về vấn đề dự thảo nêu, tôi cho rằng cần chia sẻ với tòa án về những băn khoăn, áp lực trong quá trình xét xử khi có phần bị chi phối bởi quá trình tác nghiệp của đội ngũ nhà báo; như Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nói là phải đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho quá trình xét xử.

Khi đó, người làm báo trong quá trình tác nghiệp cũng cần có những ứng xử phù hợp để tạo sự hài hòa giữa cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan báo chí.

Song những quy định về việc ghi âm tại dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cũng cho thấy nhiều bất cập.

Báo chí Việt Nam là báo chí cách mạng, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và là diễn đàn của nhân dân.

Luật Báo chí 2016 có quy định rõ nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Trong các phiên tòa hình sự công khai, các ý kiến tại tòa là công khai, để người dân được giám sát phiên tòa thông qua các cơ quan ngôn luận.

Đây là quyền tiếp cận thông tin của người dân được quy định trong Luật Tiếp cận thông tin 2016 mà quyền này có thể được thực hiện thông qua hoạt động của các cơ quan báo chí. Điều này vừa đúng với Hiến pháp, với Luật Tiếp cận thông tin, vừa đúng với Luật Báo chí.

Nếu tòa án hạn chế quyền tiếp cận thông tin của báo chí bằng việc quy định phải xin phép nhiều tầng, cũng có nghĩa là hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND không nên làm trái các luật trước đó; không nên hạn chế, cấm đoán nhà báo ghi âm, ghi hình trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa.

Theo Trần Trọng Dũng/ PLO

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/han-che-ghi-am-tai-toa-la-han-che-quyen-tiep-can-thong-tin-cua-nguoi-dan-1994891.html