Hạn chế học sinh vi phạm: Đề cao vai trò giáo viên chủ nhiệm

'Tôi luôn bảo với học sinh của mình, thầy không bao giờ đặt vấn đề đuổi các em bởi nếu đuổi thì rất dễ, rất nhanh. Thầy ký một chữ ký là các em ra khỏi trường. Nhưng đuổi học rồi các em sẽ đi đâu?'.

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm.

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm.

Đó là quan điểm của Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Tùng Lâm, người sáng lập trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – ngôi trường có hơn 30 năm trải qua thực tiễn giáo dục HS học lực yếu, từng bị các trường khác “đuổi” hoặc được gợi ý phải chuyển trường để duy trì thành tích...

Chia sẻ góc nhìn về Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh mà Bộ GDĐT đang lấy ý kiến, NGƯT Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Trong kỷ luật học đường, cần đề cao phương pháp giáo dục học sinh. Kỷ luật trong giáo dục với học sinh là để các em chủ động về hành vi của mình, để chúng ta có thời gian giáo dục, bản thân học sinh có thời gian để suy nghĩ. Tôi ủng hộ phương án tối đa đình chỉ học 2 tuần và thêm mốc thời hạn đình chỉ tối thiểu là 3 ngày để các trường không lúng túng khi đưa ra mức kỷ luật.

Trong thời gian 2 tuần đình chỉ học này, sự phối hợp giữa gia đình nhà trường như thế nào là cả một phương pháp giáo dục cụ thể đối với tính tình của từng học sinh. Chẳng hạn, với những em cá tính mạnh đòi hỏi biện pháp giáo dục khác những em cá tính yếu. Các hình thức lao động, giáo dục đi kèm là cả một nghệ thuật chứ không em nào giống em nào. Trong Dự thảo có nói nhưng chưa kỹ. Cũng có thể Bộ sau này sẽ đưa vào hướng dẫn, nhưng theo tôi cần có hướng dẫn kỹ hơn theo một nguyên tắc chung là đối với từng cá tính, hoàn cảnh cụ thể mà áp dụng biện pháp nào.

Không nên giao về địa phương quản lý

PV: Trong 2 tuần đó, nhiều gia đình không thể giáo dục được thì vai trò của nhà trường như thế nào?

NGƯT Nguyễn Tùng Lâm: Quan điểm của tôi là nhà trường phải đứng ra. Bởi có những gia đình tôi biết, bố mẹ đi làm cả ngày chẳng hạn thì đưa về gia đình quản lý kiểu gì? Có thể đưa em đó đến trường lao động, ôn tập có giáo viên quản lý riêng thay vì được học chung với các bạn. Tôi cho rằng, với các em đó cũng là một hình thức kỷ luật rồi. Ngược lại, nếu bố mẹ có thể sắp xếp ở nhà uốn nắn con em mình thì quá tốt, nhà trường chỉ đóng vai trò giám sát ở đây thôi…

Muốn làm được điều đó, mỗi trường cần có sự chuẩn bị. Để nếu có chuyện xảy ra, các thầy cô giáo có khả năng giúp các việc đó. Chẳng hạn, hiện nay Bộ GDĐT đang yêu cầu mỗi trường có tổ tâm lý giáo dục để giải quyết vấn đề tâm tư, tình cảm của học sinh và những khâu giáo dục phát sinh như chúng ta đang bàn đến. Phòng tư vấn cần phải làm những việc đó. Đơn cử như tại trường Đinh Tiên Hoàng, có 2 lực lượng quản lý học sinh trong trường hợp này là phòng Tư vấn và Giám thị.

Một lưu ý là không nên đưa HS về địa phương quản lý trong 2 tuần này. Theo tôi, nếu vi phạm nhiều lần thì mới cần thông báo. Nhiều sự việc mới đang ở mức độ trong trường với gia đình thôi mà đã đưa về địa phương gây ra những đàm tiếu không cần thiết… Chưa kể việc công khai chưa chắc đã giúp ích gì cho việc giáo dục học sinh tốt lên mà dùng các biện pháp tế nhị, hợp tình hợp lí mới giúp các em tiến bộ.

Giáo viên chủ nhiệm cần theo sát học sinh

Hiện nhiều trường chưa có tổ tư vấn tâm lý hoặc cán bộ tâm lý chuyên biệt thì giải pháp cho vấn đề này ra sao? Có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các tổ chức khác trên địa bàn như Hội tâm lý giáo dục địa phương với việc cử một cán bộ tâm lý của Hội về trường trong thời gian đó không, thưa thầy?

- Tôi ủng hộ phương án này. Tuy nhiên, đó chỉ là lúc ban đầu thôi khi chuyên gia căn cứ sự việc, tính cách của học sinh đó để đưa ra lời khuyên cần làm thế này, thế kia để giáo dục các em. Còn vai trò chính vẫn là nhà trường, cụ thể là các thầy cô giáo, trong đó, vai trò của giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng. Quan điểm của tôi là cần đề cao đội ngũ giáo viên chủ nhiệm với các phương pháp giáo dục đặc thù và phải trả lương cao cho công việc này. Tôi đang kiến nghị với Bộ GDĐT về vấn đề này, giáo viên chủ nhiệm phải được đào tạo chuyên nghiệp, được bồi dưỡng... bởi không ai làm thay vai trò của giáo viên chủ nhiệm được.

Bên cạnh đó, các hiệu trưởng không chỉ giữ vai trò nhà quản lý mà còn là các nhà giáo dục với chính các học sinh của mình.

Các nhà trường phải tổ chức lực lượng giáo dục để khi có sự việc xảy ra, không được buông bỏ học sinh của mình mà khoán cho gia đình bởi trên thực tế, có những gia đình không có điều kiện giáo dục con em mình. Khi đó, phải có lực lượng quản lý những HS đó.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Thu Hương (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/han-che-hoc-sinh-vi-pham-de-cao-vai-tro-giao-vien-chu-nhiem-507370.html