Hạn chế nợ xấu phát sinh
Nợ xấu đã và đang tác động tiêu cực đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế. Để hạn chế sự gia tăng nợ xấu, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý và ngăn ngừa nợ xấu phát sinh.
Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tín dụng và tình hình kinh tế địa phương, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực thực hiện các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Vốn tín dụng được tập trung đầu tư trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh; cơ cấu cho vay tiếp tục dịch chuyển phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp sạch, hoạt động xuất khẩu...
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 24.000 tỷ đồng, tăng 1.385 tỷ đồng so với 31-12-2021. Mục tiêu của ngành Ngân hàng tỉnh đề ra là không để nợ xấu vượt quá 2% trong tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng được đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng thì những khoản đầu tư tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, có nguy cơ chuyển sang nợ quá hạn và nợ xấu cũng gia tăng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hết quý II-2022, tổng nợ xấu trên địa bàn tỉnh ước tính 165 tỷ đồng, chiếm 0,68% trong tổng dư nợ. Tuy nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát nhưng đứng trước nguy cơ nợ xấu “vơi lại đầy” do tác động của dịch bệnh Covid-19, việc tăng tốc trích lập dự phòng nợ xấu trong năm 2021 và 2022 của nhiều ngân hàng đã cải thiện tình hình nợ xấu đáng kể.
Bên cạnh đó, ngay từ những ngày đầu năm, các ngân hàng cũng tập trung rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Thông thường, rao bán hay đấu giá là phương án tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn để xử lý tài sản đảm bảo nhằm thu hồi nợ. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế trên có thể thấy rằng, dù “cầm đằng chuôi” nhưng việc thu hồi vốn từ các khoản nợ xấu là không hề dễ dàng.
Nguyên nhân được cho là đến từ những quy định liên quan về đất đai, dự án bất động sản khá phức tạp; nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản cũng gặp khó khăn. Ngoài ra còn cần sự đồng thuận của chủ tài sản và các cơ sở pháp lý về quyền mua và quyền bán của ngân hàng. Có nhiều mảnh đất là tài sản đảm bảo của các khoản nợ liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nên việc sang tên chủ sở hữu mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, nhiều tài sản bảo đảm được định giá khi phê duyệt khoản vay cao hơn giá trị thực tế. Khi phát mãi, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị ban đầu mà không sát với giá thị trường. Vì thế, nhiều khoản nợ dù giảm giá vẫn khó bán.
Để giải quyết và thu hồi nợ xấu, các ngân hàng thương mại như BIDV, VietinBank, Agribank tỉnh... đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý và thu hồi nợ; tiến hành rà soát, phân tích, đánh giá nguyên nhân từng khoản nợ để có những giải pháp thu hồi cụ thể.
Ông Phạm Đức Thuận, Giám đốc VietinBank Tuyên Quang cho biết: Những khoản cho vay nào có triển vọng, hiệu quả sẽ cơ cấu lại; những khoản vay xét thấy không còn hiệu quả sẽ thực hiện bán khoán tài sản, chuyển giao thu hồi nợ. Đối với khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị phối hợp với khách hàng để cơ cấu lại nợ một cách phù hợp như giãn thời hạn trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và xem xét miễn, giảm lãi vay, hạ lãi suất cho vay một cách hợp lý để khách hàng giảm bớt khó khăn tài chính.
Trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 1.200 khách hàng với tổng giá trị nợ 512 tỷ đồng; hạ lãi suất trực tiếp đối với số dư nợ hiện hữu 12.162 tỷ đồng cho hơn 62.400 khách hàng... Đây cũng là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp có điều kiện để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh từ đó giảm được nợ quá hạn, nợ xấu.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tại các ngân hàng nhằm chấn chỉnh và minh bạch hoạt động của các đơn vị; tập trung giám sát việc chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn không ngừng nâng cao năng lực quản lý và thẩm định các dự án đầu tư, lựa chọn các dự án đầu tư an toàn, hiệu quả nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh.