Hạn chế quy định trên trời

Quy định pháp luật sau khi ban hành thiếu khả thi hoặc không thể thực hiện được, cần đề xuất sửa đổi, đó là việc bình thường trong quá trình xây dựng pháp luật.

Tuy nhiên, điều đáng nói là có nhiều quy định, ngay từ khi mới ban hành đã thấy những điểm vướng, gây nhiều băn khoăn về tính khả thi, “lỗi nhịp” với cuộc sống.

Câu chuyện về những vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ là vấn đề liên tục được nhắc đến trong những năm qua. Một trong những nguyên nhân chính cản trở công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ là quy định việc tháo dỡ nhà chung cư, tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu (theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014).

Có thể nói rằng, dưới góc độ pháp luật, quy định này hoàn toàn đúng, nhưng ngay từ khi ra đời đã liên tục bị kêu vướng. Bởi như nhiều ý kiến chỉ ra, thật khó để có được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu trong thực tế khi mỗi người mỗi ý. Do đó, cả nước hiện có hơn 2.500 chung cư cũ, trong số nhà chung cư này có tới 25% thuộc diện hư hỏng, nguy hiểm, nhưng 10 năm qua, tỷ lệ nhà chung cư đã được cải tạo, sửa chữa mới chưa đầy 3%.

Đề xuất chỉ cần 70% chủ sở hữu chung cư đồng ý là có thể triển khai cải tạo chung cư cũ đã được đưa ra và chính lãnh đạo cơ quan chuyên ngành cao nhất là Bộ Xây dựng cũng đồng tình rằng, cần phải nghiên cứu thêm về đề xuất này.

Từ quy định này nhìn rộng ra có nhiều quy định luật ngay sau khi ban hành gần như không thể đưa vào cuộc sống, thậm chí gây khó khăn, bất cập cho chính các cơ quan thực thi pháp luật. Hoặc có tình trạng luật mới ban hành 1 - 2 năm đã phải xem xét sửa đổi, bổ sung bởi không theo kịp hoặc thiếu tính thực tiễn, thậm chí lặng lẽ “bỏ xó” như chưa bao giờ ra đời. Cá biệt, vẫn có nhiều những quy định “lạ” có tuổi thọ rất ngắn, vừa ra đời đã phải thu hồi, bãi bỏ, gây khó nắm bắt cho người dân và tính nghiêm minh của quy định pháp luật cũng bị ảnh hưởng.

Đặc biệt có nhiều trường hợp các quy định pháp lý được đánh giá là cần thiết, hợp lý, được người dân ủng hộ, nhưng thực thi thiếu hiệu quả, hoặc bất khả thi. Điển hình như quy định về xử phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, khi mũ bảo hiểm giả bày bán tràn lan trên thị trường, nhưng thực tế đã cho thấy quy định này là bất khả thi…

Nhiều nguyên nhân lý giải cho quy định của luật không sát, trong đó có việc chưa đánh giá rõ được tác động; việc lấy ý kiến người dân, DN trong nhiều trường hợp cũng chưa thực chất... Nhưng quan trọng hơn, những quy định của pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn, gây cản trở quá trình thực hiện rất cần nhìn nhận sớm, gỡ vướng kịp thời theo yêu cầu vận động của cuộc sống.

Mỗi văn bản được ban hành sẽ có tác động nhất định tới cộng đồng, xã hội ở từng mức độ khác nhau, việc kịp thời điều chỉnh hoặc bãi bỏ, để phù hợp hơn là việc làm cần thiết và tạo ra tác động tích cực. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, không ít văn bản cả ở thể loại quy định, hướng dẫn, thông tư cho đến cao hơn như nghị định, chỉ thị… gây băn khoăn dư luận hay các văn bản “trên trời”, không phù hợp với điều kiện cuộc sống hiện tại đã được bãi bỏ.

Dù vậy, cùng với tiếp tục điều chỉnh các quy định không phù hợp, bãi bỏ các thủ tục không phù hợp, mong rằng, ngay từ khi ban hành các quy định, phải theo sát được hơn yêu cầu cuộc sống, xác định tầm nhìn xa, những yêu cầu mới sẽ nảy sinh, để tránh tình trạng có quy định không thể thực thi hoặc trở thành điểm vướng.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/han-che-quy-dinh-tren-troi-394447.html