Hạn chế rượu, bia trong nghệ thuật

Sau khi Nghị định số 24/2020/NÐ-CP (Nghị định 24) của Chính phủ được ban hành, đã có một số ý kiến trái chiều của giới nghệ sĩ về Điều 4 của nghị định, quy định 'Hạn chế hình ảnh diễn viên uống bia, rượu trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình'. Phần lớn giới làm nghệ thuật coi đây là quy định cần thiết để mang đến cho công chúng những tác phẩm lành mạnh, góp phần xây dựng xã hội, con người văn minh.

Trong các loại hình nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình, biểu diễn nghệ thuật xưa nay, không ít cảnh nghệ sĩ, diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích biểu đạt nội tâm, cá tính nhân vật cũng như nội dung tác phẩm. Những cảnh diễn đó đã bị hạn chế khi Nghị định 24 có hiệu lực ngày 24-2-2020.

Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành công văn gửi các cơ quan, đơn vị thuộc bộ và các sở VHTTDL, sở VHTT, sở du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nội dung này; yêu cầu các cơ quan, đơn vị phổ biến, quán triệt Nghị định 24 tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị và các đối tượng có liên quan; đặc biệt chú trọng các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong hoạt động quản lý nhà nước ngành VHTTDL. Chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay các quy định hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng rượu, bia trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh; thẩm định phim theo quy định của pháp luật; quy định về các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia do ngành VHTTDL quản lý (rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao...) và quy định về biện pháp quản lý quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia.

Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn rất đồng tình với các quy định của Nghị định 24, theo ông: "Nghị định 24 là cơ sở pháp lý quan trọng giúp nhà sản xuất và nghệ sĩ nâng cao ý thức trong việc đưa hình ảnh sử dụng rượu, bia một cách phù hợp vào tác phẩm. Ðiều này hết sức cần thiết, vì thời gian qua, hình ảnh uống rượu, bia trong các tác phẩm khá phổ biến; thậm chí có nhiều bộ phim còn lạm dụng đưa đến những hình ảnh không tích cực, trong khi tác phẩm nghệ thuật lại mang sứ mệnh định hướng, tuyên truyền những giá trị tốt đẹp tới công chúng".

Biếm họa của QUANG CƯỜNG.

Biếm họa của QUANG CƯỜNG.

Đạo diễn Phan Đăng Di thì cho rằng, Nghị định 24 chỉ cho phép sử dụng hình ảnh rượu, bia trong trường hợp phê phán, lên án các hành vi uống rượu, bia... Tuy nhiên, trong phim ảnh có nhiều cảnh đời thường, không phải nhằm mục đích phê phán, nhưng nó cần thiết. Ví dụ, thể hiện cảnh đám cưới làng quê thời xưa thì đương nhiên phải có cảnh uống rượu. Nếu theo quy định, phải cắt hết các phân đoạn đó nghĩa là bỏ đi hiện thực thời xưa? Hoặc nghi thức đôi tân hôn uống chung chén rượu cũng là phong tục, lẽ nào không được dùng?... Theo đạo diễn Phan Đăng Di: "Các quy định về hạn chế cảnh diễn viên uống rượu, bia trong phim thì chỉ nên giới hạn độ tuổi hay thời lượng có các cảnh rượu, bia".

NSND Công Lý cho rằng, quy định pháp luật ban hành, chắc chắn người làm nghệ thuật phải tuân thủ. Tuy nhiên, khi chúng ta luôn khuyến khích, cổ vũ nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật bám sát hiện thực cuộc sống, vì vậy sẽ có rất nhiều bối cảnh, nhân vật, đối tượng được đề cập đến. Trong khi văn hóa uống rượu, bia đã gắn với đời sống của chúng ta từ xa xưa. Nếu quy định quá khắt khe cũng sẽ làm giảm bớt yếu tố hấp dẫn của tác phẩm nghệ thuật. Với nghệ thuật sân khấu, việc hạn chế sử dụng rượu, bia khả dĩ hơn bởi sân khấu có tính ước lệ, trong lời thoại diễn viên chỉ nhắc đến, hoặc cầm chiếc ly, chiếc cốc để diễn tả, nhưng với phim thì sẽ khó thực hiện hơn.

NSƯT Đặng Lưu Việt Bảo, giảng viên Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh thẳng thắn: "Quy định này không có gì gọi là hạn chế sáng tạo nghệ thuật. Như trước đây luật không cấm thì chúng ta cứ thoải mái quay. Ví dụ một diễn viên trong vai bạo hành thì cần phải uống rượu rồi về đánh đập vợ con... Còn bây giờ, không nhất thiết phải để cho diễn viên uống rượu, bia. Thay vào đó, chúng ta chỉ cần cảnh diễn viên bắt đầu bước từ trong quán rượu ra, đi ngật ngưỡng thì người xem hiểu rồi. Tôi dạy các sinh viên trong trường cũng vậy, ví dụ khi quay thanh niên hút thuốc lá thì không nhất thiết phải quay từ đầu đến cuối hình ảnh diễn viên đó sử dụng thuốc lá. Bởi đó như lưỡi dao, có thể là "vẽ đường cho hươu chạy" khiến người xem, nhất là trẻ em biết cách sử dụng là không nên. Tôi nghĩ qua việc này diễn viên và đạo diễn phải nghiên cứu thật kỹ những tình huống, chắt lọc để mang lại hiệu quả tốt nhất cho tác phẩm".

Nghệ thuật vốn tác động không nhỏ đến đời sống, nhất là thói quen, tâm lý của người cảm thụ. Không ít người hâm mộ sẵn sàng học theo phong cách, hành động của nghệ sĩ được họ coi là thần tượng. Hành vi uống rượu, bia trong tác phẩm có thể tác động nguy hại đến nhận thức, hành vi của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Ðể giảm hệ lụy, tác hại của rượu, bia đối với đời sống xã hội và con người (như suy giảm sức khỏe, bệnh tật, tai nạn giao thông, lãng phí tiền bạc...), thiết nghĩ rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó không thể thiếu vai trò của nghệ sĩ.

Điều 4, Nghị định số 24/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định: Diễn viên trong các tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình không thể hiện các hành vi bị nghiêm cấm, hành vi uống rượu, bia và bán rượu, bia ở các địa điểm được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ngoài ra, không được có hành vi uống rượu, bia trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, truyền hình dành cho người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này. Đặc biệt, không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu, bia.

CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/dien-dan-van-hoa-ruou-bia/han-che-ruou-bia-trong-nghe-thuat-646631