Hạn chế tai nạn thương tích ở trẻ em
Hơn 3 năm qua, toàn tỉnh có gần 45 ngàn trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 112 em tử vong.
Những vụ tai nạn thương tâm để lại nỗi đau lớn cho gia đình, người thân, bạn bè của trẻ; đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo toàn xã hội về việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
* Những tai nạn thương tâm
Giữa tháng 6 vừa qua, tại ấp 7, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) xảy ra vụ tai nạn đuối nước làm hai chị em ruột T.T.M.L. (12 tuổi) và T.T.S. (10 tuổi) tử vong. Thông tin từ các cơ quan chức năng cho biết, thời điểm đó là dịp nghỉ hè, cha mẹ bận đi làm, không thể giám sát nên hai chị em L. cùng các bạn trong ấp rủ nhau đi tắm tại hồ nước gần nhà. Trong lúc tắm, do nước sâu nên L. và S. bị đuối nước. Thấy vậy, các bạn khác chạy về nhà gọi người thân ra hỗ trợ nhưng khi mọi người ra đến nơi thì hai em đã tử vong.
Ngày 27-8, tại Nhà khách 71, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã tổ chức hội thảo Phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em năm 2019. Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu đến từ các sở, ngành, địa phương. Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hải, cán bộ phụ trách Lao động - thương binh và xã hội của xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, mới từ đầu năm học đến nay (gần 2 tuần) nhưng đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông đối với học sinh đang học tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn xã. Nguyên nhân là do trên tuyến đường các em đi học có rất nhiều xe tải chạy với tốc độ cao, va chạm với học sinh đi xe đạp.
“Mặc dù cả 5 vụ tai nạn giao thông chỉ gây thương tích bên ngoài, không làm học sinh nào tử vong nhưng việc xe tải chạy với tốc độ cao gây nguy hiểm khiến người dân trên địa bàn xã rất bức xúc. Do vậy, chúng tôi đề nghị Sở Giao thông - vận tải nên có phương án hạn chế xe tải lưu thông trên các tuyến đường có trường học trong khoảng thời gian từ 6 giờ 30 đến 7 giờ và 10 giờ đến 11 giờ 30. Đồng thời đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Giao thông - vận tải mở thêm nhiều lớp ngoại khóa nâng cao kiến thức tham gia giao thông cho học sinh tiểu học, THCS trong toàn tỉnh” - bà Trần Thị Hải đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho hay, chỉ tính riêng trong 7 tháng của năm 2019, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 8,5 ngàn trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 22 em bị tử vong, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân tử vong phần lớn là do đuối nước, tiếp đến là tai nạn giao thông, điện giật. Địa phương có số trẻ em tử vong nhiều nhất là huyện Trảng Bom với 8 em.
Lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em tăng cao trong thời gian qua như: môi trường sống xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích. Ở một số xã, phường còn có những ngôi nhà ở gần sông ngòi, ao hồ nhưng không có rào chắn, nhiều bể nước, giếng đào không có nắp đậy; nhiều công trình xây dựng không có rào chắn tại các hố nước hoặc không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc công trình. Nhiều gia đình do cha mẹ phải đi làm, không thể ở nhà giám sát con, nhất là khi trẻ được nghỉ hè, không có người trông giữ…
* Cần vào cuộc quyết liệt
Nhận thấy hậu quả nghiêm trọng mà tai nạn thương tích gây ra cho trẻ em và gia đình các em, thời gian qua, các ngành chức năng của huyện Trảng Bom đã đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động cộng đồng cùng tham gia phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em.
Cụ thể, huyện Trảng Bom đã tổ chức chiêu sinh và mở 51 lớp dạy bơi cho trẻ em trong huyện tại các hồ bơi của Trung tâm thể dục thể thao huyện, trường học và các xã, thị trấn. Tại những xã xảy ra nhiều vụ trẻ em đuối nước em như: Hố Nai 3, Bắc Sơn, An Viễn, Sông Trầu, Tây Hòa, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của mô hình Ngôi nhà an toàn cho trẻ em. Đồng thời, xây dựng thí điểm, nhân rộng mô hình Cộng đồng an toàn cho trẻ em tại xã An Viễn, Bắc Sơn. Những nơi nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ cũng được trang bị, lắp đặt biển báo cảnh báo giúp các em dễ nhìn thấy, dễ hiểu và thực hiện đúng.
Ông Nguyễn Tấn Đức, Phó trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Định Quán cho biết, huyện cũng đã xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn tại 14/14 xã, thị trấn; lắp đặt 25 biển báo nơi hồ, ao, khu vực nguy hiểm thường xảy ra tai nạn thương tích trẻ em; triển khai phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực ở tất cả các cấp học, bậc học.
Tính đến nay, toàn huyện Định Quán có 14 hồ bơi ở các xã: Phú Túc, Túc Trưng, Suối Nho, Thanh Sơn, La Ngà, Phú Ngọc, thị trấn Định Quán. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức dạy bơi cho 960 trẻ em, trong đó 350 trẻ có hoàn cảnh khó khăn được dạy bơi miễn phí từ nguồn ngân sách tỉnh cấp cho huyện và nguồn xã hội hóa. Còn lại là các hồ bơi tư nhân mở lớp dạy bơi cho trẻ.
“Huyện cũng chỉ đạo các trường tiểu học, THCS tiếp tục duy trì hằng ngày dành từ 3-5 phút vào các tiết học cuối để nhắc nhở, khuyến cáo các em học sinh chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, tránh xa các ao hồ, sông suối, công trình xây dựng, không chơi những trò chơi có nguy cơ gây tai nạn thương tích…” - ông Nguyễn Tấn Đức cho hay.
Cho rằng bảo vệ và chăm sóc trẻ em không phải là trách nhiệm của riêng cá nhân, cơ quan, đoàn thể nào, bà Huỳnh Ngọc Kim Mai, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh nhấn mạnh, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương và toàn xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ và nâng cao tinh thần trách nhiệm để bảo vệ trẻ em khỏi những tai nạn đáng tiếc, trong đó chính gia đình các em và cơ quan chức năng cấp xã là những người, đơn vị gần gũi với trẻ nhất cần lưu tâm, chú ý đến trẻ nhiều hơn. Dự kiến cuối năm 2019, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh sẽ tiến hành giám sát chuyên đề xã hội hóa trên các lĩnh vực, trong đó có nội dung xã hội hóa các hồ bơi để “xóa mù” bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Bà Trần Ngọc Huệ, Phó chủ tịch UBND xã Phú Tân (huyện Định Quán):
Tổ chức nhiều diễn đàn trẻ em
Năm 2017, xã Phú Tân được huyện hỗ trợ một hồ bơi di động. Đến nay, xã đã mở được 6 lớp dạy bơi cho nhiều trẻ em trên địa bàn, đặc biệt khuyến khích và vận động những trẻ em thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn đi học bơi. Cùng với đó, tất cả các ao trong xã đều được đặt biển cấm trẻ em đến gần lội xuống ao.
Thời gian tới, để tránh tình trạng trẻ tử vong do đuối nước, chúng tôi đề nghị ngành GD-ĐT nên đưa môn bơi trở thành một môn học trong nhà trường để “xóa mù” bơi cho học sinh.
Đặc biệt, kiến nghị các ngành chức năng nên tổ chức nhiều diễn đàn cho trẻ em trong năm học chứ không tổ chức vào dịp hè để có nhiều học sinh được tham dự. Qua các diễn đàn, các cơ quan chức năng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những tình huống mà các em gặp phải hằng ngày để đưa ra những lời khuyên, giải pháp giúp các em không gặp phải những tai nạn đáng tiếc.
Bà Hoàng Thị Như Thùy, chuyên viên phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Vĩnh Cửu:
Tăng cường xã hội hóa hồ bơi
Trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu hiện có 8 hồ bơi di động đều từ nguồn xã hội hóa. Để thuận tiện cho các em học sinh, thời gian tới, huyện sẽ đặt các hồ bơi này tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện thay vì đặt tại 8 xã như hiện nay. Huyện cũng sẽ nhờ bảo vệ và giáo viên dạy thể dục của các trường cùng tham gia quản lý những hồ bơi này. Sau đó, tổ chức dạy bơi ngoài giờ, vào những ngày cuối tuần cho các em học sinh ở những trường học lân cận các trường có đặt hồ bơi. Hạnh Dung (ghi)