Hạn chế thăm thân, gửi quà vào trại giam để phòng dịch Covid-19
Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết sẽ vận động để người nhà tạm thời dừng thăm, tặng quà phạm nhân trong trại giam để hạn chế lây nhiễm dịch Covid-19.
Chiều 23/3, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì buổi làm việc của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố với các đơn vị trực thuộc.
Báo cáo tại đây, thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết đã chỉ đạo công an các quận rà soát toàn bộ người nhập cảnh vào thành phố từ 7/3. Đến 11h trưa 23/3, tổng cộng 3.869 trường hợp đã được rà soát, trong đó 1.822 người nước ngoài và 2.383 người Việt Nam.
Số người có biểu hiện ho, sốt đã đưa vào bệnh viện là 64 người, số người cách ly tại cộng đồng là gần 2.800 người, số người xác định dương tính là 4 người.
Hạn chế thăm thân, gửi quà cho phạm nhân
Ông Hùng về người nước ngoài trên địa bàn, có hơn 20.100 người Hàn Quốc, hơn 6.600 người Nhật Bản, gần 2.500 người Trung Quốc. Công an thành phố phối hợp với các quận, huyện, thị xã xác định được 785 trường hợp tiếp xúc F1 trên địa bàn, 3.824 trường hợp F2, còn lại là F3 và F4.
Công an Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạm dừng cấp thị thực, thẻ tạm trú cho người nước ngoài và chỉ giải quyết gia hạn tạm trú cho người nước ngoài có lý do chính đáng hoặc chưa thể xuất cảnh về nước và phải có khai báo về y tế.
Phó giám đốc Công an thành phố cho biết đã chỉ đạo xử lý 60 trường hợp đăng tin, bài sai sự thật lên không gian mạng, xử lý các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly theo quy định phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt, Công an Hà Nội đã đấu tranh, phòng chống hiệu quả các tổ chức phản động, đối tượng chống phá trên không gian mạng gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm nhập, tấn công vào các website, dữ liệu các cơ quan tổ chức để đánh cắp, phát tán các tài liệu với mục đích xấu.
"Việc tăng cường làm việc tại nhà, trực tuyến qua mạng Internet tạo điều kiện nảy sinh tội phạm mạng và đánh cắp các thông tin, tài liệu", Phó giám đốc Công an Hà Nội nhận định.
Lãnh đạo công an TP cho biết đã phối hợp với đơn vị chức năng xử lý 160 trường hợp đầu cơ, tăng giá, buôn lậu các vật tư y tế, đã lập hồ sơ xử lý hình sự 3 vụ với 3 đối tượng về các hành vi lừa đảo bán các trang thiết bị y tế.
Về công tác giam giữ, cải tạo phạm nhân, Công an thành phố chỉ đạo thông báo với người nhà dừng thăm gặp, không mang thực phẩm cho phạm nhân trong thời gian này để hạn chế tiếp xúc. Công an Hà Nội đã đề xuất lên Bộ Công an dừng điều chuyển phạm nhân trừ trường hợp bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đồng tình với sự chuẩn bị của Công an thành phố về việc hạn chế lây nhiễm trong trại giam. Ông Chung yêu cầu tất cả trường hợp bắt giam trong giai đoạn này phải bố trí phòng riêng chứ không giam giữ chung với người ở giai đoạn trước.
"Tất cả trường hợp thăm thân với người tạm giam, tạm giữ trong giai đoạn này phải giảm. Gửi quà thì đề nghị gửi tiền, qua tài khoản càng tốt, rồi cán bộ mua quà cho phạm nhân. Để dịch lây lan vào trại giam là rất nguy hiểm", Chủ tịch thành phố yêu cầu.
Đã tổ chức được 14.600 chỗ cách ly tập trung
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, số ca mắc tại Hà Nội trong những ngày qua tăng trong xu hướng chung của cả nước, tuy nhiên các ca mắc chủ yếu là các ca xâm nhập từ nước khác về. 29 trường hợp đi từ vùng/quốc gia có dịch về, 2 trường hợp là nhân viên y tế bệnh viện Bạch Mai.
Chỉ có 5 trường hợp lây qua tiếp xúc gần và 1 trường hợp là bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Ông Hiền cho biết tổng số người được giám sát, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng là 7.301. Có 650 người tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính (F1), trong đó, 623/641 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính, 18 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm.
Từ 0h ngày 22/3, Hà Nội đã tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả hành khách đến từ các quốc gia khác. Riêng đối với trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt phải kiểm tra khai báo y tế bắt buộc và được cách ly tại cơ sở lưu trú đúng quy định.
Tính đến 9h ngày 23/3, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã xét nghiệm 7.268 mẫu, 23 mẫu dương tính gửi Viện VSDT xét nghiệm khẳng định; còn lại đều âm tính.
Hà Nội đã bố trí thêm 5 khu cách ly tập trung với quy mô 12.100 chỗ ở, nâng tổng số khu cách ly lên 15 với khả năng đáp ứng 14.600 chỗ ở. Khu Nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai); Khu Nhà ở sinh viên Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm); Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (quận Nam Từ Liêm); Trường Trung cấp nghề số 18 (huyện Thanh Trì); Khu ký túc xá Đại học FPT (huyện Thạch Thất).
Giám đốc Sở Y tế đề cập đến việc xuất hiện ca bệnh là nhân viên y tế. "Nguy cơ lây nhiễm đối với nhân viên y tế có thể sẽ tăng khi số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng lên trong thời gian tới", ông Hiền nhận định.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết ca ghi nhận đến thời điểm này đều là người từ nước ngoài về. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và trong cơ sở y tế.
"Trong thời gian tới nguy cơ lây truyền sẽ cao hơn, dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều ca mới và diễn biến dịch sẽ phức tạp hơn đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải quyết liệt hơn trước", ông Nguyễn Khắc Hiền nói.
Ông cũng cho biết Ban chỉ đạo thành phố đang xây dựng phương án huy động nhân lực từ các bệnh viện Trung ương, bộ/ngành tại Hà Nội, huy động sinh viên năm cuối của các trường y tham gia công tác phòng, chống dịch.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết thành phố đã yêu cầu tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ giải trí karaoke, massage; vận động các tổ chức tôn giáo không tiến hành các nghi lễ tập trung đông người. Các cơ quan nhà nước tiếp tục dùng, hạn chế các cuộc họp không cần thiết, tăng cường họp trực tuyến.
Tính đến 16h ngày 23/3, Việt Nam ghi nhận 121 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó có 17 trường hợp đã hồi phục và xuất viện. Hà Nội hiện có 38 ca mắc Covid-19.