Hạn chế thông tin xấu, độc

Các nhà báo tác nghiệp tại một sự kiện tổ chức ở Phú Yên. Ảnh: PV

Thời gian qua, sự phát triển của truyền thông, đặc biệt là báo chí, internet đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khẳng định vai trò thiết yếu trong đời sống xã hội, trở thành môi trường cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác sử dụng thông tin.

Bên cạnh những mặt tích cực, thì những hệ lụy mà mặt trái của truyền thông gây ra cũng không hề nhỏ. Trong đó đáng chú ý là tình trạng nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt, thông tin chưa được kiểm chứng… tán phát và lan truyền rất nhanh, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Cá biệt, một số cơ quan báo chí đã đăng tải một số bài viết có nội dung sai sự thật, phản ánh phiến diện, một chiều, không đúng bản chất vụ việc. Thực trạng này rất đáng báo động, cần có biện pháp giải quyết, khắc phục càng sớm càng tốt. Thiết nghĩ, việc các cơ quan chức năng cần thực hiện đúng quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí sẽ góp phần hạn chế không nhỏ thông tin xấu, độc tán phát trong xã hội.

Những hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin

Ngày 9/2/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Theo nghị định, đối tượng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí gồm 3 nhóm: Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; tổng cục, cục, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các tổ chức cấp tỉnh thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương; UBND cấp huyện và xã.

Có 6 hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, gồm: tổ chức họp báo; đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trên mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước; phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên; gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử; cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí khi được yêu cầu; ban hành các văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí.

Thực hiện Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ, tháng 8/2017, UBND tỉnh Phú Yên công bố danh sách 151 người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị. Một số sở, ngành của tỉnh cũng đã ban hành quy chế về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Định kỳ hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí; hàng quý, UBND tỉnh tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí. Đặc biệt, khi xảy ra một số vụ việc đột xuất, bất thường, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã tổ chức họp báo để phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Vẫn còn tình trạng né tránh, ngại tiếp xúc với báo chí

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện quy định phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại một số cơ quan còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, định hướng dư luận. Mặc dù Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết các nội dung về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng vẫn còn tình trạng một số cơ quan, địa phương thực hiện không nghiêm túc.

Cá biệt, có nơi còn né tránh, ngại tiếp xúc với báo chí, cử người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí không đúng quy định, cung cấp thông tin cho báo chí còn chậm, qua loa. Một số trường hợp còn lúng túng trong việc xử lý thông tin về lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách mà báo chí phản ánh có dấu hiệu sai sự thật, không đúng bản chất vụ việc, chưa kịp thời phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí khi xảy ra các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn, ảnh hưởng đến dư luận xã hội...

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật, không đúng bản chất vụ việc, suy luận theo ý chủ quan khi chưa có phát ngôn chính thống của các cơ quan chức năng, vô tình tạo điều kiện xuất hiện khoảng trống thông tin để cho kẻ xấu tán phát thông tin xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc, gây hoài nghi trong xã hội.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện đúng các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Nghị định 09. Bởi nếu thực hiện tốt việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí sẽ tạo điều kiện để báo chí tiếp cận nguồn thông tin chính thống, từ đó kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin để tuyên truyền, định hướng dư luận, nhất là đối với các vụ việc, vấn đề “nóng”, phức tạp, nhạy cảm mà người dân và dư luận chưa nắm rõ nội dung, bản chất của vấn đề, góp phần phản bác các luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc, bịa đặt lan truyền, tán phát trong đời sống xã hội.

NHƯ LÊ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/228854/han-che-thong-tin-xau-doc.html