Hạn chế tình trạng bổ nhiệm Công chứng viên nhưng không hành nghề
Bộ Tư pháp đang đưa ra lấy ý kiến dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), trong đó đáng chú ý dự án Luật đã bổ sung một số hành vi nghiêm cấm đối với Công chứng viên (CCV) và một số trường hợp không bổ nhiệm CCV.
Cấm CCV cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật
Qua hơn 08 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, đội ngũ CCV và tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) ở nước ta ngày càng phát triển, số lượng CCV tăng khoảng gần 2,7 lần, số lượng TCHNCC tăng hơn 2 lần so với thời điểm Luật Công chứng năm 2014 bắt đầu có hiệu lực thi hành; cả nước có 3.074 CCV, 1.298 TCHNCC. Chất lượng đội ngũ CCV ngày càng được nâng cao, quy mô, hoạt động của các TCHNCC ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp chất lượng đội ngũ CCV còn chưa đồng đều, một bộ phận CCV còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề công chứng và uy tín của đội ngũ CCV trong xã hội
Một trong những quan điểm khi xây dựng dự án Luật theo Bộ Tư pháp là nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, tăng cường trách nhiệm của CCV trong hoạt động công chứng để công chứng thực sự trở thành công cụ “bảo vệ” giao dịch, tạo thuận tiện cho công dân, tổ chức tiếp cận và sử dụng dịch vụ công chứng trong điều kiện các giao dịch dân sự, thương mại ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp.
Do đó, bên cạnh việc kế thừa các quy định hiện hành, dự án Luật còn bổ sung một số hành vi nghiêm cấm đối với CCV nhằm bảo đảm tính nghiêm túc, kỷ cương trong hoạt động hành nghề công chứng, góp phần xây dựng đội ngũ CCV chất lượng, bền vững, bảo đảm sự ổn định trong tổ chức và hoạt động công chứng. Cụ thể là bổ sung quy định cấm CCV cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để đăng ký hành nghề công chứng, đề nghị thành lập, nhận chuyển nhượng hoặc đăng ký hoạt động của VPCC; đầu tư toàn bộ hoặc góp vốn với CCV khác để thành lập, duy trì hoạt động của VPCC nhưng không tham gia hợp danh vào VPCC đó; góp vốn, nhận vốn góp, hợp tác với tổ chức, cá nhân không phải là CCV để thành lập, duy trì hoạt động của VPCC. Đây cũng là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý hoạt động của CCV và xem xét xử lý kịp thời nếu có vi phạm.
Người đang là cán bộ, công chức, viên chức: không bổ nhiệm CCV
Dự án cũng Luật bổ sung một số trường hợp không bổ nhiệm CCV để bảo đảm những người thực sự đủ điều kiện mới được bổ nhiệm chức danh này, hạn chế tình trạng bổ nhiệm nhưng không hành nghề trên thực tế hoặc bổ nhiệm những người không thực sự xứng đáng vào đội ngũ CCV. Những trường hợp không được bổ nhiệm mới được bổ sung theo dự án Luật gồm: Người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi; người đang là cán bộ, công chức, viên chức (trừ viên chức của Phòng công chứng); đang là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; người đã được bổ nhiệm thừa phát lại, được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, được cấp thẻ thẩm định viên về giá mà chưa miễn nhiệm thừa phát lại, chưa thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, thẻ thẩm định viên về giá.
Dự án Luật bổ sung một số trường hợp bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng và bị miễn nhiệm CCV để kịp thời tạm dừng hoặc đưa những người không còn xứng đáng ra khỏi đội ngũ CCV.
Đối với các trường hợp tạm đình chỉ hành nghề công chứng, dự án Luật bổ sung quy định tạm đình chỉ đối với CCV bị tạm đỉnh chỉ tư cách hội viên. Tuy nhiên, trường hợp này Sở Tư pháp không ra quyết định tạm đình chỉ mà CCV đương nhiên bị tạm đình chỉ hành nghề và TCHNCC chịu trách nhiệm về việc CCV không được hành nghề công chứng trong thời gian này.
Đối với trường hợp đã bị kết án, dự án Luật đang được xây dựng theo 02 phương án. Với phương án 1 thì sẽ không bổ nhiệm CCV đối với người đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích, người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng kể cả trường hợp đã được xóa án tích. Với phương án 2 (giữ nguyên như Luật Công chứng hiện nay) thì tất cả các trường hợp đã bị kết án về tội phạm do cố ý đều không được bổ nhiệm CCV, kể cả trường hợp đã được xóa án tích. Như vậy, phương án 1 sẽ cho phép một số trường hợp phạm tội do cố ý và đã được xóa án tích vẫn có thể được bổ nhiệm CCV vì xét đến mức độ gây nguy hại không lớn cho xã hội đối với tội phạm mà họ đã thực hiện.