Hạn chế tối đa rác thải nhựa

Phấn đấu đến năm 2025, giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy… Đó là mục tiêu mà Bộ TN-MT đưa ra tại hội nghị đánh giá kết quả 1 năm thực hiện phong trào chống rác thải nhựa năm 2020 vừa tổ chức ở TP Tuy Hòa.

Để thực hiện được mục tiêu này, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) Nguyễn Văn Tài đề nghị thời gian đến các địa phương, đơn vị có giải pháp đồng bộ để quản lý, hạn chế, giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa đại dương. Cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường, cũng như thu hút đầu tư, ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến, tái sử dụng, tái chế rác thải, rác thải nhựa; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi ni lông khó phân hủy…

Thực tế một chiếc túi ni lông hay một chai nhựa nhỏ phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Vậy thì hàng triệu tấn nhựa được sản xuất, tiêu thụ và thải ra môi trường mỗi năm, trong khoảng thời gian hàng trăm năm “chờ đợi” phân hủy thì chúng ở đâu?

Một điều đáng lưu ý là việc phân loại, thu hồi và xử lý rác thải tại Phú Yên nói riêng, cũng như cả nước nói chung trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Thống kê của Bộ TN-MT cho thấy, lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam chiếm khoảng 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng 10% số lượng chất thải nhựa và túi ni lông (xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm) không được tái sử dụng mà thải ra môi trường. Đây thật sự là gánh nặng đối với môi trường.

Tại Phú Yên, trong thời gian qua, mặc dù chính quyền địa phương và các ngành, hội đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư, bờ biển, sông, kênh mương, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường sống. Thế nhưng, hiện nay số lượng chất thải nhựa và túi ni lông được tái chế rất ít; phần lớn là chôn, lấp, đốt hoặc chờ xử lý trên những bãi rác. Tại nhiều khu vực trong tỉnh, tình trạng rác thải sinh hoạt, trong đó có rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Một tín hiệu lạc quan đối với Phú Yên, khi ngày 14/12/2020, UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải huyện Tây Hòa, do Công ty CP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương làm chủ đầu tư, với tổng số vốn hơn 180 tỉ đồng. Dự án được triển khai tại xã Hòa Phú, với nhà máy xử lý rác thải sử dụng công nghệ đốt có thu hồi nhiệt với công suất xử lý 200 tấn rác/ngày. Dự kiến, nhà máy xử lý rác thải này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022, thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Tây Hòa, các vùng lân cận huyện Sông Hinh và một số xã của huyện Phú Hòa, TX Đông Hòa. Hy vọng dự án này sẽ góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chúng ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Cứ nghĩ, nếu một ngày trên thế giới tràn ngập rác thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy, các loài sinh vật biển, vi sinh vật có lợi dưới đất không còn tồn tại; nguồn đất, nguồn nước bị ô nhiễm, các loài cây cối cũng chết dần vì các mảnh đất khô cằn chứa toàn rác thải, liệu cuộc sống của chúng ta khi đó sẽ như thế nào? Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải hạn chế rác thải nhựa - chung tay vì sức khỏe cộng đồng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, như: không sử dụng nước uống đóng chai nhựa, không sử dụng ly cốc nhựa, không sử dụng túi ni lông đựng thực phẩm…

Vì một Phú Yên xanh - sạch - đẹp, hãy cùng nhau hạn chế tối đa rác thải nhựa.

NGUYỄN QUANG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/250037/han-che-toi-da-rac-thai-nhua.html