Hạn hán gay gắt tại Tây Nguyên, Nam Bộ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 6.080 hồ chứa thủy lợi có dung tích hơn 50 nghìn mét khối nước với tổng dung tích khoảng 12,5 tỷ mét khối nước và 56 hồ thủy điện bậc thang với tổng dung tích phòng lũ là 9,35 tỷ mét khối nước. Ðến nay 633 hồ chứa thủy lợi các loại, đã được sửa chữa, nâng cấp 27 hồ chứa lớn được lắp đặt thiết bị giám sát. Tuy vậy, vẫn còn 1.155 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp...

Người dân xã Thống Nhất, huyện Bù Ðăng (Bình Phước) dẫn nước từ suối để tưới hồ tiêu. Ảnh: HOÀNG BẮC

Người dân xã Thống Nhất, huyện Bù Ðăng (Bình Phước) dẫn nước từ suối để tưới hồ tiêu. Ảnh: HOÀNG BẮC

* Theo Ðài Khí tượng - Thủy văn Ðắk Lắk, nhiều tháng qua, trên địa bàn tỉnh không có mưa. Dòng chảy trên các sông lớn như: Krông Ana, Krông Búk thiếu hụt từ 50 đến 70% so với trung bình nhiều năm. Tỉnh Ðắk Lắk hiện có 605 hồ thủy lợi, dung tích hơn 600 triệu mét khối nước, nhiều nhất vùng Tây Nguyên. Theo dự tính của cơ quan chức năng, trong một đến hai tháng tới, toàn tỉnh có hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp trồng cà-phê, cao-su, hồ tiêu… thiếu nước tưới.

* Tỉnh Gia Lai có hơn 300 công trình thủy lợi gồm khoảng 100 hồ chứa, hơn 180 đập dâng và 42 trạm bơm. Nhưng hiện nay, một số đập dần cạn kiệt, lưu lượng nước ở các sông lớn trong tỉnh cũng giảm mạnh.

* Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Ðồng, hiện mực nước ở 10 hồ lớn của tỉnh không tích đủ nước so với thiết kế. Trong đó, các hồ: Tuyền Lâm (Ðà Lạt), Ma Ðanh, BôkaBang (huyện Ðơn Dương) giảm gần 7 m nước. Dự báo 25 nghìn héc-ta cây trồng thiếu nước tưới trong mùa khô, hơn 4.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt...

* Theo Ðài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Ðồng Nai lên nhanh trong hai ngày qua và ở mức xấp xỉ báo động II. Ðỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 11 đến 12-3. Tại trạm Phú An và Nhà Bè đạt mức cao hơn báo động III 0,05 đến 0,10 m. Thời gian xuất hiện đỉnh triều cao trong ngày từ 5 giờ đến 7 giờ và 18 giờ đến 19 giờ. Ðỉnh triều cao hơn báo động II còn duy trì hết ngày 13-3.

* Xâm nhập mặn diễn ra tại hai huyện Hòn Ðất, Kiên Lương (Kiên Giang) làm ảnh hưởng đến 1.598 ha lúa. Ðể ngăn mặn bảo vệ lúa đông xuân 2019-2020 và lúa hè thu 2020, các địa phương bị ảnh hưởng đã đắp 195 đập.

* Theo Ðài Khí tượng - Thủy văn TP Cần Thơ, xâm nhập mặn trên sông Hậu tiếp tục tăng lên và sẽ đạt đỉnh từ ngày 11 đến 13-3, với độ mặn cao nhất từ 3,5‰ đến 4,5‰. Ðợt xâm nhập mặn này sẽ kéo dài đến ngày 15-3 và có khả năng là đợt cao nhất từ đầu mùa khô năm nay. Phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn 4‰ trên sông Hậu sâu nhất khoảng 70 km...

* Toàn tỉnh Cà Mau có hơn 20.800 hộ gia đình bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, phần lớn tập trung ở vùng nông thôn... Ngày 10-3, ngành nông nghiệp tỉnh đề xuất UBND tỉnh về việc hỗ trợ đối với trà lúa, rau màu bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Tổng diện tích lúa mùa, lúa đông xuân, lúa-tôm và rau màu bị thiệt hại lên đến hơn 19.300 ha.

* Tại tỉnh Bến Tre, do ảnh hưởng xâm nhập mặn sâu, kéo dài, nghề nuôi thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề. Toàn tỉnh có 722 ha tôm càng xanh bị ảnh hưởng (thiệt hại khoảng 30% sản lượng); nhiều vùng nuôi nghêu có hiện tượng nghêu chết với số lượng khoảng 1.100 tấn… Tỉnh yêu cầu các địa phương đắp đập tạm giữ nước ngọt; đầu tư hệ thống xử lý nước mặn, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn khoảng 250 tỷ đồng để đầu tư tiếp hồ chứa nước ngọt quy mô 1,5 triệu mét khối, nhằm tăng thêm lượng nước ngọt dự trữ phục vụ ba huyện ven biển.

* Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang đẩy nhanh tiến độ công trình tránh bão cho tàu thuyền tại cảng Lạch Quèn (xã Tiến Thủy). Dự án này do tỉnh Nghệ An phê duyệt, với tổng vốn đầu tư 55,8 tỷ đồng gồm các hạng mục như: tuyến kè dài gần 1,2 km nối từ cầu Hàu đến kè số 3 cảng cá xã Tiến Thủy, xây dựng đường giao thông rộng 6m và 56 trụ neo đậu tàu thuyền,…

* Ngày 10-3, tỉnh Quảng Ngãi đã chấp thuận đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi. Tuyến kè dài 1.200 m với tổng mức đầu tư khoảng 77 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2020 đến 2021 nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho khoảng 350 hộ dân...

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày 10-3, không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh phía đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và hầu hết các nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Hôm nay 11-3, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đêm và sáng có mưa dông. Trong mưa dông, có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Sáng 10-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn công tác kiểm tra tình hình tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Phú Thọ.

Kể từ ngày 16-1, Phú Thọ đã chấm dứt dịch tả lợn châu Phi, không phát sinh ổ dịch mới, nhờ đó, công tác tái đàn đang được đẩy nhanh. Hiện, tổng đàn lợn của tỉnh khoảng gần 630 nghìn con, bằng 74% so với tổng đàn lợn của tỉnh trước khi xảy ra dịch. Ðàn lợn của tỉnh đã tăng ổn định liên tục, tổng đàn tăng hơn 20 nghìn con so với tháng 1. Toàn tỉnh hiện có 213 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô từ 50 con lợn nái hoặc 500 lợn thịt trở lên (chiếm gần 30% tổng đàn lợn của tỉnh) và 17 doanh nghiệp chăn nuôi lợn.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43561102-han-han-gay-gat-tai-tay-nguyen-nam-bo.html