Hạn hán phát lộ nhiều kho báu khảo cổ
Giới chuyên gia cho rằng cần phải nhanh chóng cứu và bảo vệ những bảo vật này trước khi cơn mưa trở lại.
Mùa hè nóng nực, những cánh đồng cháy nắng, những dòng sông cạn khô. Nhưng điều này lại làm phát lộ các di tích khảo cổ trên các cánh đồng và trong lòng sông.
Khủng long Texas
Mùa hè năm nay, hạn hán đã cung cấp cho các nhà khảo cổ học những khám phá bất ngờ trên khắp hành tinh. Giáo sư khảo cổ học tại Đại học Công giáo Louvain của Bỉ (UCLouvain), Laurent Verslype, cho biết hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến mọi quốc gia và mọi bối cảnh: sa mạc, hồ nước, nông nghiệp….
Trong số nhiều ví dụ, ở Texas, gần Dallas, nơi được cho là một trong những chuỗi dấu chân khủng long dài nhất thế giới, được phát hiện dưới đáy sông. Theo chuyên gia khảo cổ Stephanie Salinas Garcia thuộc Sở Công viên Texas, do điều kiện khô hạn quá mức vào mùa hè này, con sông đã hoàn toàn khô cạn ở hầu hết các nơi, để lộ ra những dấu vết mới trong Công viên Thung lũng Khủng long. Các dấu vết này có niên đại cách đây 113 triệu năm, trước đây đã bị chôn vùi dưới nước và chứa đầy trầm tích. Điều này giúp bảo quản chúng nguyên vẹn.
Phật nổi lên từ mặt nước
Trong bối cảnh hạn hán và các đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong lịch sử, Trung Quốc đang chứng kiến các dòng sông của mình khô cạn. Trong số này, sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á và lớn thứ ba trên thế giới, đã cạn nước đến nỗi gây nguy hiểm cho giao thông và sản xuất thủy điện.
Ở phía Tây Nam của đất nước, ở Trùng Khánh, nước sông cạn làm lộ những bức tượng Phật có niên đại từ thời nhà Minh và nhà Thanh. Các chuyên gia cho biết ba bức tượng nằm trên một phiến đá thuôn dài và được chạm khắc cách đây 600 năm.
Giữa năm 1368 và 1644, dưới thời nhà Minh, việc thực hành Phật giáo rất phổ biến ở Trung Quốc. Theo người dân địa phương, các bức tượng được đặt ở vị trí giao nhau giữa hai con sông, nơi tàu thuyền thường xuyên qua lại. Do đó, họ tin rằng chúng được chạm khắc ở đó để du khách có thể cầu nguyện cho sự an toàn của họ.
Vòng tròn đá của Tây Ban Nha
Vòng tròn đá Tây Ban Nha được khai quật ở Extremadura, sau hơn 4 tháng không có mưa. Dolmen de Guadalperal, một địa điểm thời kỳ đồ đá mới gồm 150 menhirs (trụ đá), nằm trong một hồ chứa nước đã cạn.
Được phát hiện vào năm 1926, đến năm 1963 nó đã bị "nuốt chửng" do xây dựng một con đập và chỉ xuất hiện trở lại một vài lần kể từ đó. Trước khi địa điểm này bị nhấn chìm lần nữa, các nhà khảo cổ của Bộ Văn hóa đã xuống phân tích và xác định rằng tình trạng của những viên đá vẫn tốt. Tuy nhiên, một số người đề nghị di dời địa điểm đến một nơi khô ráo.
Di tích người Italya từ năm 1943
Tại Italya, tình trạng thiếu mưa đã khiến sông Po khô cạn, xuống mức thấp nhất trong 70 năm. Lòng sông lộ ra những xác tàu từ Chiến tranh thế giới thứ hai, bao gồm một chiếc xe tăng Đức và một chiếc sà lan, Zibello, vận chuyển gỗ trong chiến tranh, trước khi bị chìm vào năm 1943. Con sông Tiber ở Roma phát lộ một cây cầu có lẽ được xây dựng dưới thời của Hoàng đế Nero .
Khu vườn tiếng Anh sống lại
Ở Anh, những người làm vườn của Chatsworth House đã rất vui mừng khi nhìn thấy Great Parterre, một khu vườn theo phong cách châu Âu được thiết kế vào năm 1699 cho Công tước xứ Devonshire và được phủ cỏ vào năm 1730. Hạn hán làm lộ ra những luống hoa và những lối đi cũ. Các quan chức Chatsworth House giải thích: “Vì cỏ trên bãi có rễ ngắn hơn, cháy nhanh hơn, tạo ra sự tương phản và tạm thời để lộ ra khu vườn bên dưới”.
Ở Pháp, tại Vix, chính sự tương phản trong một cánh đồng cỏ linh lăng đã tiết lộ dấu vết của một con mương và lỗ trụ của một hàng rào cách đây khoảng 2.800 năm, trên một khu khai quật.
Ở quy mô lớn hơn và hồi đầu năm, một nhóm các nhà khảo cổ học người Đức và Iraq đã thiết lập một địa điểm khẩn cấp ở Kurdistan, Iraq, tại Kemune. Nó thực sự là một thành phố có niên đại cách đây 3.400 năm, từng nằm trên sông Tigris, nổi lên từ một lưu vực lưu vực do hạn hán.
Theo Đại học Tubingen, Iraq là một trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Miền Nam của đất nước này đã phải hứng chịu hạn hán khắc nghiệt trong nhiều tháng. Để tránh mùa màng bị khô héo, một lượng lớn nước đã được hút từ hồ chứa Mosul kể từ tháng 12.
Điều này dẫn đến sự xuất hiện trở lại của một thành phố thời kỳ đồ đồng đã bị nhấn chìm cách đây nhiều thập kỷ mà không có bất kỳ nghiên cứu khảo cổ học nào trước đó. Sự kiện không lường trước được này đã khiến các nhà khảo cổ phải chịu áp lực để khai quật và lập hồ sơ ít nhất một phần của thành phố này càng nhanh càng tốt trước khi nó bị nhấn chìm một lần nữa.
Kết quả: ngoài cung điện được phát hiện trong một cuộc khai quật ngắn vào năm 2018, nhóm nghiên cứu đã lập bản đồ thành phố, phát hiện ra một tòa nhà lưu trữ, công sự và 100 viên hình nêm. Nhà khảo cổ học Peter Pfälzner cho biết: “Gần như là một điều kỳ diệu khi những viên đá hình nêm làm bằng đất sét không nung chảy đã tồn tại được nhiều thập kỷ dưới nước".
Các tòa nhà được khai quật sau đó được bao phủ hoàn toàn bằng các tấm nhựa vừa vặn và phủ sỏi. Điều này là để bảo vệ các bức tường đất sét thô và bất kỳ kho báu nào vẫn còn ẩn trong đống đổ nát, trong thời gian lũ lụt. Các nhà khảo cổ hy vọng khu vực này sẽ nhanh chóng được nước bao phủ để được bảo quản tốt.