Hân hoan vui tết Độc lập
Hòa chung không khí kỷ niệm Quốc khánh 2/9, người Mường ở biên giới quây quần giao lưu ẩm thực, văn nghệ, đón tết Độc lập.
Ngày hội nơi biên giới
Những ngày này, ngay từ sáng sớm, bà con người Mường, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, xúng xính quần áo mới. Các nam thanh, nữ tú cho đến các cụ già hân hoan, khoác trên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc đầy tự hào, kiêu hãnh. Hai bên đường, rực rỡ cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió.
Với đồng bào dân tộc Mường đang sinh sống tại Tây Nguyên, lễ 2/9 là dịp để những người con xa xứ khởi dậy nét văn hóa đặc sắc cồng chiêng, hát ru, hát đối... góp phần quan trọng trong nền văn hóa đa sắc tộc vùng Tây Nguyên.
Hưởng ứng ngày lễ lớn người làng treo cuốc, cất cày nghỉ việc đồng áng. Nhà nào cũng hối hả dọn dẹp nhà cửa, chỉnh trang lại bàn thờ treo ảnh Bác Hồ. Khi việc trong nhà đã ngớt, chẳng ai bảo ai, mọi người lại kéo nhau đến dọn dẹp nhà rông, đường làng, cắm cờ đỏ sao vàng khắp các ngả đường để chào mừng ngày Quốc khánh. Khi công tác dọn dẹp vệ sinh đã xong xuôi, người dân lại bàn nhau chặt tre làm bánh xe nước, xích đu, cây dập sạp để chuẩn bị cho ngày hội lớn đang gần kề.
Vào sáng đầu tiên diễn ra ngày tết, không khí trong làng như tất bật rộn ràng hơn hẳn. Thức giấc từ 5h, ông Quách Công Thân, 49 tuổi, thôn Hào Lý, cùng mấy người hàng xóm kéo ra nhà rông mổ heo, gà làm lễ. Ông Thân kể rằng, người Mường ăn tết Độc lập, gần 80 năm qua. Anh em, con cháu dù đi học hay làm ăn xa cũng tìm về nhà để sum họp, chia sẻ những vui, buồn trong cuộc sống.
Hòa chung không khí của ngày hội lớn các chàng trai, cô gái Mường hăng say biểu diễn dân ca, dân vũ, đu quay, múa sạp, mừng đất nước, và lan tỏa bản sắc dân tộc tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp nơi miền biên viễn.
Ngoài hoạt động văn nghệ, tại lễ hội còn có các trò chơi dân gian như ném còn cùng với đó là các món ăn đặc trưng như: Thịt gà nấu lá ráy, xôi ngũ sắc, măng chua, thịt heo nướng. Xuyên suốt lễ hội, người Mường ở xã Sa Loong không quên trưng bày các gian hàng, giới thiệu các sản vật dân tộc đến du khách.
Trong niềm vui hân hoan của ngày tết ông Đinh Thế Mỹ, 65 tuổi, bộc bạch: “Tôi không thể nào quên ngày 2/9, ngày mà Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với trách nhiệm của một người cha, một người lớn tuổi, chúng tôi sẽ kể cho con, cháu của mình và các cháu trong làng nghe và hiểu rõ hơn về thời khắc lịch sử đó”.
“Nếu tết truyền thống tổ tiên người Mường gói gọn trong phạm vi gia đình, họ hàng, cộng đồng bản hoặc giữa bản này với bản kia thì tết Độc lập 2/9 phạm vi rộng hơn, liên kết cộng đồng người Mường giữa các dân tộc anh em quanh xã, huyện. Điều này đã tạo nên một ngày hội không ranh giới, không vùng miền”, ông Mỹ chia sẻ.
Lưu giữ nét văn hóa
Là người già nhất làng Hòa Lý, ông Bùi Thanh Xuân, 75 tuổi, cho biết, Quốc khánh là ngày hội lớn của người Mường. Vào ngày này hàng năm, nhà nhà sẽ làm mâm cúng đủ đầy tưởng nhớ cha ông, Bác Hồ.
“Vào ngày tết Độc lập từ người già đến trẻ nhỏ ai nấy đều phấn khởi, vui mừng đón chào. Thời khắc quây quần bên nhau mọi người sẽ ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc. Dân làng cùng nhau tâm sự, sẻ chia sau một năm tất bật với nương rẫy và cùng tham gia các trò chơi dân gian. Không chỉ nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, đây cũng là dịp để tình đoàn kết giữa các dân tộc keo sơn hơn”, ông Xuân nói.
Ông Nguyễn Chí Tường, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi chia sẻ: "Ngày hội làng Mường” đã trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc. Đây là nơi để người Mường và các dân tộc trên địa bàn gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng chung không khí tưng bừng vui đón Tết độc lập, dịp Quốc khánh 2/9, chúng tôi đã được hòa mình vào ngày Hội Tết của người Mường tại xã Ia Lâu. Ia Lâu là một xã biên giới thuần nông, với nhiều dân tộc quy tụ về sinh sống, lao động, vậy nhưng ngoài những bản sắc riêng thì sự giao thoa, gắn kết các nền văn hóa giữa dân tộc Mường, Thái, Bana, Jrai…ngày càng bền chặt.
Tết Độc lập ở xã biên giới sẽ được tổ chức tùy điều kiện từng gia đình mà mổ heo, mổ gà, thiết đãi anh em con cháu trong gia đình, làng xóm. Tiếng khèn, tiếng sáo rộn ràng ngân vang khắp thôn, làng khiến cho bất kể ai, dân tộc Kinh hay Jrai, Bana… khi nghe đến đều quy tụ về cùng nhau trẩy hội.
Sân bóng của thôn hay sân nhà sàn được chọn là địa điểm chơi các trò chơi dân gian như: Đánh Cò Le, đánh cù (đánh đuốn), đi cà kheo, kéo co và đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn, đánh mảng, đánh đu, chằm chỉ chằm chăn, bóng chuyền… Tối đến, cứ thế, xen lẫn trong men rượu nồng là tiếng sáo trong trẻo vang khắp buôn, làng như để gọi bạn đến chung vui.
Từ đó, mọi người quan tâm, giúp đỡ và chỉ cho nhau cách phát triển kinh tế. Minh chứng cho sự đoàn kết đó, các chàng trai, cô gái của dân tộc này kết hôn với chàng trai, cô gái dân tộc khác, tạo nên sự giao thoa gần gũi và tin tưởng lẫn nhau.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/han-hoan-vui-tet-doc-lap-a624562.html