Hạn mặn làm vườn dừa Bến Tre thiệt hại trên 138 tỷ đồng
là số liệu được cung cấp tại 'Hội thảo khắc phục vườn cây sau hạn mặn' do Hội Nông dân, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre phối hợp với Công ty cổ phần nước - Môi trường Bình Dương tổ chức vào ngày 11/6.
Theo số liệu được công bố tại hội thảo, đợt hạn mặn vừa qua, đã làm ảnh hưởng đến hơn 27.000 ha vườn cây ăn trái của tỉnh Bến Tre. Trong đó có gần 7.000 ha bị thiệt hại từ 30-40%, hơn 2.500 ha vườn cây bị thiệt hại trên 70%, ước thiệt hại về kinh tế trên 1.200 tỷ đồng.
Tìm giải pháp khắc phục thiệt hại do hạn mặn.
Dù đã bước vào mùa mưa nhưng hạn mặn kéo dài trước đó vẫn tiếp tục gây thiệt hại cho nhiều vườn cây ăn trái ở Bến Tre
Bên cạnh đó, 600 ha cây giống và 1,2 triệu cây hoa kiểng tại tỉnh Bến Tre cũng bị hạn mặn gây thiệt hại khoảng 18 tỷ đồng. Riêng vườn dừa của địa phương đã giảm năng suất từ 10-15%, ước thiệt hại trên 138 tỷ đồng.
Hiện dù đã vào mùa mưa nhưng nhiều vườn cây, nhất là sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre đang tiếp tục bị bệnh và chết do hậu quả của tình trạng khô hạn kéo dài trước đó.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã chia sẻ ý kiến về phương pháp khắc phục các thiệt hại do hạn mặn gây ra. Theo đó, để khắc phục thiệt hại cho cây trồng sau hạn mặn, ngoài các giải pháp công trình như: đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt, rửa mặn, xây hồ chứa nước ngọt, vận chuyển nước ngọt khi khô hạn kéo dài… thì giải pháp phi công trình cũng cần quan tâm.
Theo đó, nhà vườn cần chú trọng vấn đề kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phun thuốc phù hợp để khôi phục lại vườn cây. Đặc biệt trước khi bón phân, vườn cây cần được rửa mặn, tăng cường phun tưới nước ngọt vào cho cây, sử dụng các chế phẩm sinh học để kích thích bộ rễ cây phát triển. Đối với các khu vườn bị thiệt hạn nặng thì ưu tiên trồng lại các nhóm giống cây có hiệu quả kinh tế và thích nghi với hạn mặn.