Hạn mặn lịch sử ở miền Tây: Chôm chôm, sầu riêng chết héo, nông dân khốn đốn

Không chỉ mất trắng vì cây chết do hạn mặn hay tương lai bấp bênh vì nguồn thu không còn, nhiều nhà vườn miền Tây còn đang lúng túng không biết trồng lại cây gì.

Vườn cây tiêu điều sau hạn mặn lịch sử

Bỏ ra 60 triệu tiền mua nước ngọt để tưới thế nhưng ông Hồ Văn Thân (54 tuổi, ngụ xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cũng đành bất lực đứng nhìn những 8.000m2 vườn trồng chôm chôm hơn 25 năm tuổi của mình suy kệt, héo mòn dần. Đến khi hạn mặn qua đi thì cũng là lúc cả mảnh vườn từng là nguồn thu nuôi sống gia đình chết sạch.

Vườn chôm chôm vừa bị đốn hạ.

Vườn chôm chôm vừa bị đốn hạ.

Dẫn PV VTC News ra sau vườn để tận mắt chứng kiến những gốc chôm chôm gia đình vừa dứt ruột đốn hạ, ông Thân cho biết, với 8.000m2 trồng chôm chôm, trừ hết chi phí, mỗi năm ông thu lời được khoảng 150 đến hơn 200 triệu đồng. Chỉ một trận hạn mặn, cả khu vườn giờ tiêu điều, chỉ còn là đống củi khô.

“Khi nước mặn xâm nhập tôi dốc tiền, dốc sức mưa nước về cứu cây vì nó là nguồn thu nhập của cả gia đình. Tưới hết 60 triệu tiền nước nhưng nắng hạn vẫn gay gắt. Lúc này, thấy tình hình lo không nổi nữa tôi đành bất lực nhìn vườn cây suy kệt dần. 6 công gỗ cây chôm chôm vừa đốn tôi bán cho người ta mua về làm than với giá mua 200.000 đồng một thước. 2 công còn lại nay mai tôi cũng đốn nhưng chưa có người mua vì xung quanh cũng nhiều người đang bán. Giờ cây nhỏ là không ai thèm mua”, ông Thân buồn bã kể.

Bán củi với giá rẻ bèo hay cho từ thiện là lựa chọn của nhà vườn lúc này.

Bán củi với giá rẻ bèo hay cho từ thiện là lựa chọn của nhà vườn lúc này.

Đó cũng là tình cảnh chung của rất nhiều nhà vườn trồng chôm chôm, sầu riêng ở Bến Tre, Tiền Giang khi hạn mặn qua đi. Nếu là những năm trước thì thời điểm này đang là mua thu hoạch chôm chôm, sầu riêng, người mua kẻ bán tấp nập. Nhưng không, năm nay quá khác, chỉ còn lại tiêu điều, buồn bã hằn lên khuôn mặt các chủ nhà vườn. Xót xa nhất là hình ảnh những vườn chôm chôm trĩu quả chết héo hay những vườn sầu riêng bạc tỷ trơ trụi lá.

Nhiều vườn chôm chôm trĩu quả chết héo khiến nhiều người xót xa.

Nhiều vườn chôm chôm trĩu quả chết héo khiến nhiều người xót xa.

May mắn cứu được cây nhưng đến ngày thu hoạch vườn chôm chôm Java của bà Nguyễn Thị Anh Châu (ngụ ấp Tân Đông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) không có người mua. Theo bà Châu, giống chôm chôm đạt trọng lượng 28 trái/kg nhưng do ảnh hưởng của hạn mặn, hiện nay 60 trái vẫn không đạt 1kg. Ngoài nhẹ cân, trái còn ít cơm, bị chua và không có nước bên trong trái.

Trái chôm chôm của bà Châu bị ảnh hưởng của hạn mặn không thể bán được.

Trái chôm chôm của bà Châu bị ảnh hưởng của hạn mặn không thể bán được.

Trong khi đó, một chủ vựa sầu riêng tại Tiền Giang cho biết, hiện sầu riêng bị ảnh hưởng của hạn mặn chỉ có thể thu mua từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg do chất lượng cơm kém. Còn sầu riêng của những cây chết lá chỉ có thể mua khoảng 5.000 đến 10.000 đồng/kg. Sầu riêng loại này mua về chỉ lấy cơm để làm kem, làm bánh.

Chưa biết trồng lại cây gì

Sau khi đốn bỏ 4000m2 sầu riêng chết do hạn mặn, ông Huỳnh Văn Khanh (ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) quyết định chuyển sang trồng sapo trong tiếc nuối.

“Rất tiếc vì sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao nhưng nếu mặn như vậy thì không dám đầu tư. Trồng sapo vì độ mặn như vừa qua cây có thể chịu đựng được”, ông Khanh thở dài.

Bên cạnh những người mạnh dạn như ông Khanh còn nhiều nhà vườn đang lúng túng chưa biết phải trồng lại cây gì bởi mảnh vườn là nguồn sống duy nhất của gia đình. Quyết định đầu tư gì với số vốn còn lại sau thiệt hại vừa qua là một vấn đề lớn với họ.

Thẫn thờ nhìn vườn sầu riêng chết khô, bà Nguyễn Thị Dung (40 tuổi, ngụ xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, từ khi hạn mặn đến nay gia đình chị ăn ngủ không yên. Vườn sâu riêng là nguồn thu nhập chính nuôi 4 miệng ăn giờ chết héo, không thu hoạch được.

Theo bà Dung từ thời “cha sanh mẹ đẻ” chị chưa từng thấy cảnh tượng hạn mặn kinh khủng như năm nay nên giờ cây chết hết bà cũng chưa biết sẽ trồng lại sầu riêng hay chuyển sang cây trồng khác.

Bà Nguyễn Thị Dung lần đầu chứng kiến cảnh sầu riêng chết vì hạn mặn.

Bà Nguyễn Thị Dung lần đầu chứng kiến cảnh sầu riêng chết vì hạn mặn.

“Trồng cây khác thì thu nhập thấp. Giờ trồng sầu riêng lại 5 năm mới có thu hoạch trong khi đó không biết tình trạng nước mặn này có xảy ra nữa không. Bỏ tiền ra trồng lại rồi trong thời gian đó vợ chồng phải đi làm mướn làm thuê nuôi 4 miệng ăn trong gia đình. Rồi biết nước có mặn lại như vậy nữa không. Hy vọng nhà nước sớm đầu tư hệ thống cống khép kín để ngăn mặn cho người dân yên tâm hơn”, chị Dung nói.

Còn theo ông Hồ Văn Ngon (60 tuổi, ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) câu chuyện trồng lại cây gì sau hạn mặn đang là chủ đề bàn tán của nhiều người.

"Ở đây trước giờ sống nhờ cây chôm chôm nên đâu bỏ được. Nhưng mà không biết mấy năm sau hạn mặn sẽ như thế nào. Một số người dự tính trồng chôm chôm xen với chanh vì cây chanh chịu mặn được hơn chôm chôm. Lỡ có bị hạn mặn nữa thì cũng còn được cây chanh. Cây chanh trồng ngắn ngày hơn nên nhà vườn sớm có nguồn thu trong mấy năm chờ chôm chôm có trái. Chứ giờ già như tui tui đi xin làm bảo vệ chưa chắc người ta mướn”, ông Ngon nói.

Video: Khát nước, sầu riêng biến thành… củi

THANH TIẾN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/doi-song/han-man-lich-su-o-mien-tay-chom-chom-sau-rieng-chet-heo-nong-dan-khon-don-ar549760.html