Hạn ngạch để bảo hộ phim Việt

Không hạn ngạch khiến phim ngoại mỗi năm ồ ạt nhập về, nhiều đơn vị sản xuất nơm nớp lo lắng liệu phim của mình có bị 'ép' suất chiếu. Câu chuyện này đang đặt ra nhiều thách thức cho cả đơn vị quản lý, nhà làm phim lẫn nhà phát hành.

Trước khi được bảo hộ bằng luật, phim Việt phải tự nâng chất chính mình

Trước khi được bảo hộ bằng luật, phim Việt phải tự nâng chất chính mình

Luật chưa quy định

Trong tham luận góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nêu lại một vấn đề không mới: “Trong đàm phán gia nhập WTO, ta đã bỏ qua quy định hạn ngạch phim nhập khẩu, tạo điều kiện cho các công ty điện ảnh liên doanh với nước ngoài thoải mái nhập phim vào Việt Nam. Cùng với đó, họ tăng tốc đầu tư xây dựng các cụm rạp hiện đại ở đô thị lớn để chiếu chủ yếu loại phim này”.

Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh của Bộ VH-TT-DL cũng chỉ ra thực tế tương tự. Luật Điện ảnh hiện hành cũng chưa quy định được chính sách (hay hàng rào kỹ thuật) để bảo vệ điện ảnh dân tộc, hạn chế tác động bất lợi của các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương mà Việt Nam đã ký kết. Không hạn ngạch, không quy định tỷ lệ chiếu phim Việt Nam, dẫn đến phim nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, phim Việt rất khó đưa vào hệ thống rạp chiếu phim, hoặc nếu được các rạp chiếu phim chấp nhận thì chỉ chiếu ở những giờ xem không thuận lợi, số lượng suất chiếu mỗi ngày cũng rất hạn chế.

Ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, cũng nêu lên thực tế nhiều nhà sản xuất (NSX) làm phim xong rất khó để đưa ra rạp, hoặc bị từ chối, hoặc đưa vào giờ chiếu xấu, không phù hợp. Câu chuyện các NSX phim Việt thỉnh thoảng lại kêu cứu khi bị các đơn vị phát hành “ép” suất chiếu xảy ra như cơm bữa. Mới đây nhất là trường hợp của bộ phim Thưa mẹ con đi (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh).

Thống kê của Cục Điện ảnh, nếu năm 2007 toàn thị trường nhập 105 phim, đến năm 2018 con số này là 234 phim (cao nhất là năm 2017 với 248 phim). Đó là còn chưa tính đến số lượng phim không được cho phép phổ biến, dao động 25 - 30 phim trong vài năm gần đây. Theo nhà phát hành CGV, năm 2019, toàn thị trường dự kiến có khoảng 290 phim được phát hành (trong đó phim Việt dao động 40 - 50 phim).

Theo bà Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh: “Cần có chính sách xây dựng thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tối đa hoặc xóa bỏ việc chèn ép, lấn át đối với doanh nghiệp nhỏ, hay việc thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp lớn”. Thừa nhận phim ngoại nhập vào ồ ạt là một sức ép lớn, nhưng một NSX giấu tên đặt ra câu hỏi, liệu phim Việt đã đủ sức cung cấp ra thị trường và chất lượng phim có đáp ứng được nhu cầu khán giả? NSX này cho rằng, quy luật cạnh tranh này công bằng, vì phim mang lại doanh thu luôn được hỗ trợ hết mức. Ngay cả phim ngoại không ăn khách cũng bị cắt suất. Để giải quyết bài toán này, cách duy nhất là tăng cả số lượng, chất lượng để phim Việt đủ sức đối đầu với phim ngoại, trước khi các quy định hạn ngạch có thể được áp dụng.

Tranh cãi tỷ lệ chiếu phim Việt

Cùng với hạn ngạch, quy định tỷ lệ số buổi chiếu phim Việt Nam đối với mỗi phòng chiếu và thời gian chiếu cũng có nhiều tranh cãi. Trên thực tế quy định này đã có, 30% với phim truyền hình trong khung 20 - 22 giờ và 20% với phim chiếu rạp từ 18 - 22 giờ trong ngày, ngoài ra còn có thể chiếu vào các giờ khác. Nếu như lĩnh vực phim truyền hình đã được nhiều đài lớn thực hiện tốt, thì ở lĩnh vực điện ảnh đây vẫn là vấn đề nan giải.

Quy định về tỷ lệ chiếu phim Việt đa phần được ủng hộ bởi nó góp phần hỗ trợ và khuyến khích quá trình sản xuất phim. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia có quy định rõ ràng, đơn cử như Hàn Quốc, một thời gian dài đặt hạn ngạch chiếu phim nội địa lên đến 146 ngày/năm. Công ty CP phim Thiên Ngân cho rằng, quy định này phụ thuộc nhiều nhân tố: doanh nghiệp sản xuất, phát hành, số lượng, chất lượng phim… Riêng với những phim chất lượng kém, nếu duy trì suất chiếu theo quy định, đồng nghĩa các chủ rạp sẽ gặp khó khăn do chi phí cao, hiệu quả lại quá thấp. Do đó, các nhà phát hành buộc phải lựa chọn phim nhập khẩu để duy trì hoạt động của mình.

Đại diện Công ty Thiên Ngân cũng đặt ra câu hỏi: Tỷ lệ chiếu phim Việt sẽ được quy định theo tiêu chí cụ thể như thế nào: ngân sách sản xuất hay theo chấm điểm? Cơ quan hay đơn vị nào sẽ kiểm tra và đánh giá tính chính xác của những tiêu chí này, hay tỷ lệ quy định được áp dụng như nhau (một tỷ lệ chung cho cả phim tốt, khá, trung bình, dở)?

Ông Lưu Trọng Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, tán đồng quy định tỷ lệ chiếu phim, nhưng theo ông, cần quy định cả về mặt thời điểm ưu tiên. Ngoài ra, chỉ nên quy định đạt tỷ lệ chiếu rải đều trong quý, bởi rải đều trong tháng khó thực hiện cả cho phòng chiếu phim và NSX. Trong khi đó, theo đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), cần nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp điện ảnh tham gia hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng phim Việt, thay vì quy định cứng số buổi chiếu phim đối với mỗi phòng chiếu.

Theo chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến 2020, tầm nhìn 2030, được Chính phủ phê duyệt, đến 2020 phải đạt ít nhất 35% số buổi chiếu phim Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp và năm 2030 đạt là ít nhất 45%. Để đạt con số nói trên là cả chặng đường dài nhiều chông gai với muôn vàn thách thức từ xây dựng luật cho đến khi áp dụng vào thực tế.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/han-ngach-de-bao-ho-phim-viet-616735.html