Hàn - Nhật - Mỹ tập trận đáp trả sự khiêu khích của Triều Tiên

Chiến đấu cơ Mỹ và Nhật Bản tiến hành tập trận chung ngoài khơi bờ biển của Nhật. Hàn Quốc và Mỹ cùng ngày cũng tiến hành tập trận ném bom, bắn một loạt tên lửa ra biển.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Mỹ) cho biết chiến đấu cơ tham gia tập trận thuộc biên chế thủy quân lục chiến Mỹ và lực lượng phòng không Nhật. Đơn vị này khẳng định cam kết của họ với nhiệm vụ bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản không thay đổi.

Tập trận chung Mỹ - Nhật vừa diễn ra - Ảnh: Reuters

Tập trận chung Mỹ - Nhật vừa diễn ra - Ảnh: Reuters

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cũng thông báo tập trận ném bom Hàn - Mỹ vừa diễn ra ở Hoàng Hải, lực lượng hai bên còn bắn nhiều tên lửa ra biển.

Một trong số tên lửa đất đối đất Hàn Quốc vừa phóng - Ảnh: Reuters

Một trong số tên lửa đất đối đất Hàn Quốc vừa phóng - Ảnh: Reuters

Loạt động thái trên nhằm đáp trả hành động phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật của Triều Tiên ngày 4.10.

Ngày 4.10, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật, lần đầu tiên sau 5 năm, và là vụ phóng tên lửa thứ 5 của Bình Nhưỡng chỉ trong vòng 10 ngày. Tokyo phải khuyến cáo người dân tìm nơi trú ẩn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Nhật Fumio Kishida lên án mạnh mẽ vụ phóng nói trên. Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích đây là hành động liều lĩnh cố ý khiêu khích. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres xác định vụ phóng vi phạm các nghị quyết Hội đồng Bảo an.

Mỹ đề nghị Hội đồng Bảo an họp khẩn vào ngày 5.10, nhưng Nga cùng Trung Quốc phản đối đưa diễn biến mới nhất ra thảo luận công khai.

5 vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất phản ánh tốc độ thử vũ khí đáng kinh ngạc của Triều Tiên trong năm nay. Có thông tin nước này đang phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Một phân tích do Nikkei Asian Review thực hiện ghi nhận trong nửa đầu năm 2022, Triều Tiên chủ yếu phóng tên lửa tầm ngắn sử dụng nhiên liệu rắn. Hơn 1/3 số tên lửa phóng từ năm 2019 bay theo quỹ đạo thay đổi khó đánh chặn hơn.

Theo học giả Ankit Panda thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, việc phóng tên lửa qua Nhật cho phép Triều Tiên thử nghiệm vũ khí trong điều kiện thực tế. Tên lửa đạn đạo phải chịu tải trọng nhiệt cùng áp suất khí quyển khi bay tầm xa.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/han-nhat-my-tap-tran-dap-tra-su-khieu-khich-cua-trieu-tien-187872.html