Hàn Quốc bùng nổ tranh cãi khi kẻ ấu dâm kinh hoàng nhất lịch sử được trả tự do

Việc giảm án và trả tự do người đàn ông bị kết tội cưỡng hiếp dã man một đứa trẻ đã làm dấy lên cuộc tranh luận mới xung quanh hệ thống pháp luật của Hàn Quốc, theo nguồn tin từ BBC.

Việc giảm án và trả tự do người đàn ông bị kết tội cưỡng hiếp dã man một đứa trẻ đã làm dấy lên cuộc tranh luận mới xung quanh hệ thống pháp luật của Hàn Quốc, theo nguồn tin từ BBC.

Đám đông tập trung phản đối khi Cho được thả tự do sau khi phục vụ 12 năm tù. Ảnh: BBC

Đám đông tập trung phản đối khi Cho được thả tự do sau khi phục vụ 12 năm tù. Ảnh: BBC

12 năm trước, vào sáng 11-12, một bé gái 8 tuổi đang đi bộ đến trường ở Ansan, tây nam Seoul, thì bị Cho Doo-soon, một cựu tù nhân 56 tuổi, bắt cóc, đánh đập và hãm hiếp một cách dã man. Na-young (không phải tên thật của bé gái) sống sót. Nhưng cô bé vẫn phải chịu những tổn thương về thể xác và tinh thần sau vụ tấn công.

Và bây giờ, cô đã phải chuyển chỗ ở: kẻ hiếp dâm cô đã được phép quay trở lại Ansan, nơi ông ta phạm tội. Chỗ ở của Cho được cho là chỉ cách nhà Na-young hơn 1km. “Chúng tôi không muốn bỏ chạy nhưng không có lựa chọn nào khác. Tôi cũng muốn đưa ra một thông điệp rằng chính phủ không làm gì khác ngoài việc buộc nạn nhân phải chạy trốn”, cha Na-young nói, chỉ vài ngày sau khi Cho được trả tự do sau khi đã phục vụ án tù được giảm còn 12 năm.

Ông nói thêm rằng, Na-young miễn cưỡng chuyển nhà vì cô không muốn rời xa những người bạn thân. Gia đình cũng sợ lộ danh tính khi chuyển đi. Nhưng họ cảm thấy đó vẫn là lựa chọn duy nhất. “Nhiều năm trôi qua nhưng vẫn không có gì thay đổi. Gánh nặng vẫn hoàn toàn đổ lên vai nạn nhân”, ông nói.

Lấy say rượu như một cái cớ

Vụ án của tên Cho đã làm bùng nổ sự bất bình đối với hệ thống tư pháp của Hàn Quốc vì đã khoan hồng tội phạm tình dục.

Ban đầu, ông ta bị kết án 15 năm tù. Nhưng một tòa phúc thẩm sau đó đã giảm thời hạn xuống còn 12 năm, vì ông ta tuyên bố say rượu khi cưỡng hiếp bé gái. Đó là do ở Hàn Quốc, các hình phạt đối với những tội phạm được thực hiện do ảnh hưởng nghiêm trọng của rượu có những hình phạt được khoan hồng hơn nhiều. Tuy nhiên, dư luận phản đối khi ông ta được giảm án. Yoon Jung-Sook, từ Viện Tội phạm học Hàn Quốc, nói rằng trường hợp của Cho đã làm bùng lên cuộc tranh luận trên toàn quốc.

Theo BBC, kể từ vụ án của tên Cho, cơ quan lập pháp quốc gia đã sửa đổi luật để gây khó khăn hơn cho các bị cáo sử dụng say rượu như một biện pháp bào chữa. Tuy nhiên, điều khoản này vẫn được duy trì bất chấp những lời kêu gọi bãi bỏ ngày càng tăng, và phán quyết “say rượu” vẫn được tiếp tục trong các quyết định của tòa án. Đáng chú ý, vào tháng 10-2019, một nam thanh niên 26 tuổi được giảm án từ 3 năm tù giam xuống còn 4 năm quản chế vì tội tấn công tình dục một sinh viên đại học. Người bào chữa cho rằng, anh ta say rượu vào thời điểm xảy ra vụ việc.

Sự phẫn nộ của người dân

Việc tên Cho được thả đã kích động sự sợ hãi và lo lắng của công chúng ở Hàn Quốc. Hơn 600.000 người đã ký vào một bản kiến nghị trên trang mạng của Nhà Xanh, kêu gọi xét xử lại và phản đối việc thừa nhận ông ta trở lại xã hội. Nhưng chính phủ đã từ chối.

Sự tức giận của người dân có thể thấy rõ khi Cho, hiện 68 tuổi, trở về nhà của vợ mình ở Ansan hôm 12-12. Một đám đông lớn đã hò hét “xử tử hắn ta”. Để giảm bớt lo ngại của người dân, cảnh sát đã hứa hẹn sẽ giám sát 24/24 giờ, lắp đặt 35 camera giám sát và thiết lập các bốt cảnh sát mới xung quanh khu phố của Cho. Ngoài ra, Cho sẽ phải đeo một thiết bị giám sát điện tử trong 7 năm. Cảnh sát cũng cung cấp cho gia đình của Na-young một đồng hồ thông minh giúp phát hiện và phát tín hiệu nếu thủ phạm đến gần họ. Nhưng người cha nói rằng nó sẽ khiến họ “cảm thấy lo lắng hơn”, và gia đình đã từ chối sử dụng. “Nếu đồng hồ gửi cảnh báo cho con gái tôi, con bé sẽ rất hoảng sợ”, ông nói và cho biết thêm rằng thiết bị này có thể sẽ giúp mọi người xác định cô bé là nạn nhân của vụ tấn công.

Tiếng nói của nạn nhân ở đâu?

Các nhà phân tích pháp lý nói rằng, hệ thống tư pháp đang thay đổi nhưng vẫn chưa đủ.

Jung Seung-yoon, giáo sư luật tại Đại học Quốc gia Pusan tin rằng, cần phải có “những thay đổi trong cách tuyên án và thủ tục trả tự do” để giám sát hợp pháp những tội phạm được thả mà không phải lo lắng về hình phạt kép. “Nếu tòa kết án Cho 30 năm thay vì 12 năm, chúng tôi có thể vẫn trả tự do cho anh ta sau 12 năm - nhưng với những điều kiện khắt khe để ngăn chặn tội phạm lặp lại”, giáo sư Jung cho biết và nhấn mạnh: “Hệ thống pháp luật Hàn Quốc nên quan tâm hơn đến ý kiến của nạn nhân. Tiếng nói của nạn nhân ở đâu khi tòa án phán quyết 12 năm tù cho Cho Do Soon??

Một phần được thúc đẩy bởi việc Cho được trả tự do, các nhà lập pháp đã đề xuất một số quy định đối với tội phạm tình dục được ra tù. Đáng chú ý, thành viên Kim Young-ho của Đảng Dân chủ (DP) cầm quyền đã đề xuất một dự luật tìm kiếm bản án chung thân đối với tội phạm tình dục trẻ em nếu họ tái phạm và cách ly họ khỏi xã hội. Trường hợp của Cho cũng đã khiến cơ quan lập pháp quốc gia tạo ra một dự luật có tên là “Luật Cho Doo-soon”, cấm tội phạm tình dục trẻ vị thành niên rời khỏi nhà của họ vào ban đêm và trong giờ khi học sinh đi tới trường và về nhà. Tuy nhiên, Yoon Jung-Sook, từ Viện Tội phạm học Hàn Quốc, nói rằng “vì không thể cách ly những tên tội phạm này khỏi xã hội mãi mãi, hệ thống tội phạm phải đảm bảo rằng chúng sẽ cải tạo khi trở lại”.

Cha của Na-young cho biết cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ các nạn nhân. Ông sợ rằng, sự chú ý của dư luận dành cho tên Cho sau khi được thả “cuối cùng sẽ biến mất”, và rằng những gì gia đình nạn nhân cần là “sự quan tâm thường xuyên” từ các cấp chính quyền.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_236976_han-quoc-bung-no-tranh-cai-khi-ke-au-dam-kinh-hoang-nhat-lich-su-duoc-tra-tu-do.aspx