Hàn Quốc: Các ca tái phát Covid-19 không có khả năng lây nhiễm cao

Giới chức y tế Hàn Quốc chiều 22-4 cho biết, virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 được phát hiện trong các ca tái phát ở nước này dường như không có nguy cơ lây nhiễm. Các nghiên cứu về nguyên nhân của tình trạng tái phát Covid-19 sau điều trị tại Hàn Quốc đang được tiến hành chuyên sâu.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Busan, Hàn Quốc ngày 20-4 (Ảnh: YONHAP)

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Busan, Hàn Quốc ngày 20-4 (Ảnh: YONHAP)

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), đến hôm nay Hàn Quốc đã ghi nhận 207 ca tái phát Covid-19 sau xuất viện.

KCDC cho biết, trong số 39 xét nghiệm nuôi cấy sử dụng các mẫu được thu thập từ những người đã kiểm tra dương tính với Covid-19 sau khi hồi phục, có sáu xét nghiệm đã hoàn thành và tất cả đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Giám đốc KCDC Jeong Eun-kyeong giải thích: “Mặc dù các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) của những mẫu này cho kết quả dương tính, nhưng chúng đều cho kết quả âm tính sau khi được nuôi cấy cách ly. Điều này cho thấy virus SARS-CoV-2 từ những trường hợp tái phát có khả năng rất thấp hoặc không có sức lây nhiễm”.

Trả lời về việc có thể lấy các kết quả từ các xét nghiệm nuôi cấy thay cho các xét nghiệm PCR để làm cơ sở cho các bệnh nhân Covid-19 xuất viện sau thời gian điều trị hay không, Giám đốc KCDC nói rằng biện pháp này không đủ hiệu quả.

Giám đốc Jeong cho biết, hầu hết các nước dựa trên các kết quả xét nghiệm PCR để làm căn cứ cho bệnh nhân xuất viện. Các xét nghiệm nuôi cấy thường mất thời gian ít nhất hai tuần và đòi hỏi nhiều nguồn lực, do đó không đủ thực tế để sử dụng phương pháp này làm căn cứ cho bệnh nhân xuất viện.

Nguyên nhân tái phát?

Giám đốc KCDC cho hay, cơ quan y tế vẫn đang nghiên cứu để giải thích nguyên nhân các ca bệnh dương tính với Covid-19 trở lại trong xét nghiệm PCR sau khi xuất viện. Một số chuyên gia cho rằng là do các bộ xét nghiệm có đủ độ nhạy để thu nhận các phân tử virus SARS-CoV-2 đã chết.

Tuy nhiên, có nhiều chuyên gia cho rằng, dù các xét nghiệm PCR có độ chính xác tới 95%, nhưng nghĩa là vẫn có thể có từ 2 - 5% cho kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả.

Người đứng đầu KCDC cũng giải thích thêm: “Chúng tôi cũng đặt giả thuyết virus này không hoàn toàn bị phá hủy và vẫn còn ẩn trong cơ thể người mặc dù những người khỏi bệnh đã có kháng thể, dựa theo thể trạng của mỗi bệnh nhân”. Hiện các chuyên gia đang nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

Những nghiên cứu gần đây của các bác sĩ tại Trung Quốc và Mỹ cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể làm hỏng tế bào T lymphocytes (được gọi là tế bào T). Tế bào này đóng một vai trò trung tâm trong hệ thống miễn dịch của cơ thể và có khả năng chống lại sự lây nhiễm.

Kim Jeong-ki, một nhà virus học tại Đại học Dược Hàn Quốc, đã so sánh sự tái phát sau điều trị như "Khi bạn ấn một chiếc lò xò khiến nó nhỏ hơn, và khi bạn bỏ tay ra, chiếc lò xo sẽ bật bung trở lại”.

Theo đó, các chuyên gia y tế cho rằng, tình trạng tái phát Covid-19 sau điều trị có nghĩa là nhiều phần của virus SARS-CoV-2 rơi vào trạng thái không hoạt động trong một thời gian dài, hoặc một số bệnh nhân có thể có một số điều kiện hoặc hệ miễn dịch yếu, khiến virus này hồi sinh trong cơ thể họ.

Sau khi đánh giá các kết quả xét nghiệm, KCDC sẽ củng cố các hướng dẫn về căn cứ để bệnh nhân Covid-19 xuất viện. Trong khi chưa có lời giải chính thức về nguyên nhân tái phát bệnh, với tình trạng gia tăng các ca tái phát Covid-19 tại Hàn Quốc hiện nay, KCDC tiếp tục khuyến cáo các bệnh nhân cần tự cách ly 14 ngày sau khi xuất viện.

N.T

Theo Yonhap, Reuters

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44189802-han-quoc-cac-ca-tai-phat-covid-19-khong-co-kha-nang-lay-nhiem-cao.html