Hàn Quốc có 315 ca nhiễm mới, tổng cộng 2.337 người nhiễm COVID-19

Người dân xếp hàng chờ mua khẩu trang tại Daegu, Hàn Quốc, ngày 27/2/2020, trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19 - Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Ngày 28/2, các ca nhiễm chủng mới của vi rút Corona SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Hàn Quốc tiếp tục tăng thêm 315 ca, nâng tổng số ca nhiễm mới tại quốc gia này trong ngày lên tới 571 ca.

Như vậy tính tới chiều 28/2, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 2.337 ca nhiễm COVID-19. Tại thủ đô Seoul, số ca nhiễm vượt qua con số 60 khi một bệnh viện tại tây bắc thủ đô xác nhận một loạt bệnh nhân mới.

Tính tới 10 giờ sáng 28/2, thủ đô Seoul ghi nhận 65 trường hợp nhiễm SARS-Cov-2 trong khi tổng số ca nhiễm trên cả nước cũng đã lên tới hơn 2.000 ca sáng cùng ngày. Gần 50% số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc có liên quan tới giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) và một bệnh viện tại Cheongdo.

Seoul vẫn được đánh giá là khá an toàn khi cách tâm dịch của nước này là thành phố Deagu khoảng 300km. Tổng số ca nhiễm bệnh tại thủ đô tăng vì mới phát hiện một ổ dịch tại bệnh viện của Đại học Công giáo Hàn Quốc Eunpyeong St. Mary.

Trong tổng số 65 ca tại Seoul thì có 13 ca là các nhân viên, bệnh nhân của bệnh viện này và người thân. Giới chức y tế Seoul lo ngại số người nhiễm COVID-19 có thể tăng sau khi một linh mục tại Nhà thờ Myungsung, một trong những nhà thờ lớn nhất tại thành phố này, được xác nhận nhiễm vi rút. Dù hiện số bệnh nhân nhiễm chưa cao nhưng các ca nhiễm xuất hện rải rác ở nhiều nơi trong đó có những khu vực trung tâm như Euljiro, Gwanghwamun và Yeouido.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Chính phủ Hàn Quốc đang lên phương án đưa công dân nước này ở Iran về nước, do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nước Cộng hòa Hồi giáo này, với số ca tử vong cao thứ hai chỉ sau Trung Quốc.

Trong nỗ lực ngăn chặn dịch lây lan, chính phủ Hàn Quốc cũng khuyến nghị đóng cửa tất cả các cơ sở phúc lợi phục vụ những đối tượng dễ lây nhiễm như trẻ em, người cao tuổi trên toàn quốc trong một tuần, từ ngày 28/2-8/3. Chính phủ cũng khuyến nghị người lao động tích cực sử dụng ngày phép để ở nhà chăm sóc con, gia đình. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cũng lập đối sách hỗ trợ các cơ sở y tế tại TP Daegu, nơi đang gặp khó khăn do số ca nhiễm đang gia tăng, đặc biệt là 4 bệnh viện chuyên về bệnh truyền nhiễm, nơi có nhiều bệnh nhân COVID-19 nhập viện.

Cùng ngày 28/2, giới chức Y tế Thái Lan thông báo thêm một trường hợp được xác nhận nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm tại Thái Lan lên 41 người. Phát biểu tại họp báo, Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan Sukhum Kanchanaphimai nêu rõ trường hợp nhiễm mới là một thanh niên Thái Lan 25 tuổi, là hướng dẫn viên du lịch vừa trở về từ Hàn Quốc.

Người này đã có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 vào ngày 24/2 vừa qua. Tính đến nay, Thái Lan có tổng cộng 28 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã phục hồi và được trở về nhà, trong khi vẫn còn 13 người đang được điều trị trong bệnh viện. Thái Lan hiện chưa ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19.

Cũng trong ngày 28/2, theo SputniknewsReuters, Bộ Y tế Belarus thông báo nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm COVID-19, bệnh nhân là một sinh viên Iran vừa bay về từ thủ đô Baku của Azerbaijan.

Trước đó, Chính phủ Litva thông báo đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm trong bối cảnh dịch bệnh này đang lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới. Trong khi đó, tờ El Pais của Tây Ban Nha đưa tin số ca được xác nhận nhiễm COVID-19 tại nước này đã tăng lên 23 trường hợp. Trước đó, Bộ Y tế Tây Ban Nha ghi nhận 14 ca nhiễm COVID-19, chưa kể hai trường hợp người nước ngoài nhiễm bệnh đã được xuất viện.

Ngày 28/2, New Zealand đã xác nhận trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên tại nước này. Bộ Y tế New Zealand cho biết đây là một bệnh nhân trong độ tuổi 60 và vừa trở về từ Iran. Bệnh nhân hiện đang được điều trị tại bệnh viện TP Auckland và tình trạng sức khỏe đang được cải thiện.

Bệnh nhân từng đi trên chuyến bay của hãng Emirates Airline xuất phát từ thủ đô Tehran của Iran, quá cảnh tại Bali, Indonesia và dừng chân ở Auckland vào ngày 26/2 vừa qua. Mặc dù là trường hợp đầu tiên song Bộ Y tế New Zealand khẳng định nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng là rất thấp.

Bộ này cũng kêu gọi những người có mặt trên chuyến bay nếu quan ngại về sức khỏe nên liên lạc với nhà chức trách. Trước đó, New Zealand thông báo áp đặt hạn chế nhập cảnh tạm thời đối với các du khách đến từ Iran nhằm đề phòng dịch COVID-19 lây lan.

Tại Nhật Bản, ngày 28/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết triển khai các biện pháp chính sách cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tác động mạnh đến sự phục hồi mong manh của nền kinh tế nước này.

Phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Abe khẳng định chính phủ vẫn có nguồn lực cần thiết để trang trải chi tiêu khẩn cấp liên quan bùng phát dịch bệnh. tuy nhiên, ông nêu rõ: "Tôi biết có những ý kiến cho rằng nếu dịch bệnh lây lan có thể tác động mạnh tới nền kinh tế. Do đó, chúng tôi đang theo dõi sát sao các diễn biến. Nếu tình hình thay đổi, chúng tôi sẽ đảm bảo áp dụng các biện pháp cần thiết để không cho dịch bệnh trở thành mối đe dọa lớn đối với kinh tế Nhật Bản”.

Cùng ngày, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết Chính phủ nước này muốn trẻ em ở trong nhà khi các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đóng cửa do lo ngại về dịch COVID-19. Ông Hagiuda nêu rõ: "Chúng tôi yêu cầu sự hợp tác của các bộ ngành liên quan để học sinh ở trong nhà, không ra ngoài trừ trường hợp cần thiết”.

Ông Hagiuda đưa ra kêu gọi trên sau khi Bộ Giáo dục chính thức đề nghị toàn bộ các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Nhật Bản đóng cửa từ ngày 1/3 tới, vài tuần trước khi bắt đầu kỳ nghỉ xuân vào cuối tháng ba, trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ngày 27/2, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis thông báo nước này đang siết chặt kiểm soát các đường biên giới trên bộ và trên biển trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Thủ tướng Mitsotakis cho biết ông đã chỉ thị bộ trưởng vận tải biển và người đứng đầu lực lượng bảo vệ bờ biển tăng mạnh số tàu thuyền tuần tra quanh các đảo ở biển Đông Aegean.

Cùng ngày, Hội đồng bộ trưởng của Cộng hòa Cyprus đã quyết định siết chặt kiểm soát ở các cửa khẩu tại Ranh giới Xanh phân chia khu vực của người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người Cyprus gốc Hy Lạp trên hòn đảo này, nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Cyprus Constantinos Ioannou cho biết cảnh sát sẽ được huy động thêm để chốt tại các cửa khẩu, nơi các nhân viên y tế sẽ kiểm tra những người đến từ khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.

Trong khi đó, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết Chính phủ nước này đang thành lập một nhóm làm việc phối hợp để kiểm soát dịch bệnh, bao gồm các quan chức thuộc các bộ ngành liên quan và các chuyên gia của Viện Y tế và Phúc lợi quốc gia Phần Lan. Bên cạnh đó, Chính phủ Phần Lan cũng phân bổ khoản kinh phí ban đầu 8,9 triệu euro (khoảng 9,79 triệu USD) cho nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, đồng thời sẵn sàng chi trả cho bất kỳ chi phí nào phát sinh do dịch bệnh gây ra thông qua tiến trình bổ sung ngân sách trong trường hợp cần thiết.

Trong một diễn biến khác, Bộ Giao thông Nga thông báo từ ngày 28/2 một số chuyến bay khứ hồi giữa Nga và Iran sẽ bị đình chỉ, ngoại trừ những chuyến bay do hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot và Mahan Air của Iran khai thác.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/235568/han-quoc-co-315-ca-nhiem-moi-tong-cong-2-337-nguoi-nhiem-covid-19.html