Hàn Quốc: CPTPP đang thiếu các công ty chủ chốt trong lĩnh vực bán dẫn, xe điện
Hàn Quốc đặt mục tiêu hoàn tất gia nhập CPTPP trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in kết thúc vào đầu tháng 5/2022...
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo - Ảnh: Nikkei Asia
Trong bài phỏng vấn trên tờ Nikkei Asia mới đây, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo cho biết việc Hàn Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mang lại lợi ích cho tất cả quốc gia thành viên, bởi các doanh nghiệp của nước này sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho chuỗi cung ứng chất bán dẫn, pin và xe điện.
“Với các quốc gia CPTPP, việc Hàn Quốc gia nhập hiệp định mang lại lợi ích cho tất cả. Càng nhiều nước gia nhập, lợi ích sẽ càng lớn nhờ hiệu ứng mạng lưới”, ông Yeo nhấn mạnh. “CPTPP hiện chưa thể tự cung tự cấp vì đang thiếu các công ty Hàn Quốc - vốn có vai trò chủ chốt trong lĩnh vực bán dẫn, pin điện và xe điện”.
Ông Yeo cho biết Hàn Quốc đặt mục tiêu hoàn tất gia nhập CPTPP trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in kết thúc vào đầu tháng 5/2022.
Hàn Quốc là quê hương của Samsung Electronics, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, cũng như Energy Solution, nhà sản xuất pin xe điện lớn thứ hai thế giới. Bên cạnh đó, công ty Hyundai Motor của nước này cũng đang phát triển cơ sở sản xuất xe điện riêng.
Phát ngôn của ông Yeo được đưa ra khoảng hai tuần sau khi Hàn Quốc thông báo sẽ bắt đầu quy trình gia nhập CPTPP. Ông khẳng định điều quan trọng là phải đảm bảo sự đồng thuận trong nước bởi Chính phủ Hàn Quốc đang đối mặt ngày càng nhiều phàn nàn từ giới nông dân cũng như nhà sản xuất về việc hiệp định này có thể gây thiệt hại cho họ.
Chính quyền của ông Moon Jae-in gần đây đã bắt đầu các cuộc thảo luận công khai và đang triển khai các quy định trong nước liên quan đến điều kiện gia nhập CPTPP như bãi bỏ trợ cấp cho ngành đánh bắt cá, sửa đổi quy định có lợi cho các công ty nhà nước, áp dụng tiêu chuẩn kiểm dịch thực phẩm quốc tế…
Tuy nhiên, những quan ngại về việc Hàn Quốc gia nhập CPTPP không chỉ bắt nguồn từ nội bộ nước này. Ngay sau khi Seoul thông báo sẽ gia nhập hiệp định, Taro Kono – chính trị gia cấp cao trong đảng cầm quyền Nhật Bản, đã chỉ ra hai vấn đề mâu thuẫn giữa hai nước. Đó là lệnh cấm của Hàn Quốc đối với hải sản từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố điện hạt nhân Fukushima năm 2011 và phán quyết của tòa án Hàn Quốc về việc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những lao động Hàn Quốc bị bóc lột trong chiến tranh. Nhật Bản hiện là một nước thành viên của CPTPP.
Về vấn đề này, ông Yeo cho rằng, vì Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia “có cùng chí hướng”, cả hai nên có tầm nhìn xa hơn.
CPTPP được ký kết vào tháng 3/2018 tại Chile - Ảnh: AP
“Tôi chắc chắn chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi thông qua các điểm chung. Tôi hiểu rằng CPTPP là một hiệp ước cho tương lai”, ông Yeo khẳng định.
CPTPP thiết lập các quy tắc về thương mại phi thuế quan, đầu tư, cũng như dòng chảy dữ liệu. Hiệp định này được ký kết vào tháng 3/2018 với 11 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Các quốc gia trong hiệp định này có tổng dân số 495 triệu người và chiếm 13,5% GDP toàn cầu.
Trước Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Anh đã nộp đơn gia nhập CPTPP. Trong đó, Anh đang triển khai tiến trình đàm phán. Để được gia nhập hiệp định, các nền kinh tế này cần phải tuân thủ các quy tắc tiêu chuẩn cao hiện tại của CPTPP và sẵn sàng thực hiện các cam kết mở cửa thị trường một cách toàn diện, đồng thời phải nhận được sự chấp thuận của tất cả thành viên hiện tại.